Hoạt động giao thương trên thế giới giảm tốc
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde mới đây cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ và những hạn chế trong thương mại, cho rằng kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài.
Thương mại toàn cầu ảm đạm
Tổng Giám đốc Lagarde nhận định đà phục hồi hiện nay của kinh tế toàn cầu vẫn yếu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và các xu hướng chính trị ủng hộ chủ nghĩa dân túy “tái xuất” ở các nền kinh tế phát triển đe dọa xóa bỏ những gì đã đạt được.
Theo bà Lagarde, trong vài năm qua, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu yếu, mong manh và điều này có thể vẫn tiếp diễn. Ở các nền kinh tế phát triển dù có những tín hiệu tích cực nhưng triển vọng tăng trưởng chung vẫn kém, và kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nguy cơ tăng trưởng quá thấp trong một thời gian quá dài.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Trung Quốc, bà Lagarde cũng đã cảnh báo rằng nợ cao, nhu cầu thấp đang ảnh hưởng đến lực lượng lao động và kỹ năng lao động, làm giảm động lực đầu tư và làm chậm tốc độ tăng năng suất, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra "bẫy tăng trưởng thấp".
Về tình trạng gia tăng các biện pháp bảo hộ trên khắp thế giới kể từ năm 2012, bà Lagarde cho rằng việc quay lưng lại với thương mại đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng vào thời điểm kinh tế toàn cầu vẫn cần góp nhặt mọi thông tin tích cực.
Trước đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng cảnh báo rằng với dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ tăng trưởng ở mức 2,2%, năm 2016 dự kiến là năm chứng kiến tăng trưởng thương mại và sản lượng kinh tế thấp nhất kể từ 2008-2009, được coi là kém nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.
WTO đã hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm 2016 xuống còn 1,7%, từ mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 4/2016. Đây cùng là năm đầu tiên trong 5 năm qua, hoạt động thương mại thế giới tăng thấp hơn nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo sự giảm tốc về thương mại là rất nghiêm trọng và cần phải nâng mức báo động.
Số liệu mới nhất kể trên thấp hơn nhiều so với mức dự báo mà các chuyên gia WTO thông báo cách đây một năm. Ngoài ra, WTO cũng hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 xuống còn 1,8-3,1%, so với dự báo tăng 3,6% trước đó. Theo WTO, sự sụt giảm kể trên đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Brazil và khu vực Bắc Mỹ.
Một vài dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong quý II/2016 như gia tăng vận chuyển hàng hóa container tại cảng hay các đơn hàng xuất khẩu tại Mỹ. Tuy vậy, nhiều yếu tố không chắc chắn đang tác động đến triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm nay và năm tới như biến động về tài chính do thay đổi chính sách tiền tệ ở các nước phát triển hay tác động từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Ngoài ra, còn một yếu tố khác tác động tới thương mại toàn cầu - đó là xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước. Trong báo cáo giữa năm về phát triển gắn liền với thương mại công bố cuối tháng 7/2016, Tổng Giám đốc WTO Azevedo đã cảnh báo các nước thành viên cần tránh tạo lập các rào cản thương mại và "phải thúc đẩy thương mại" nhằm đối phó với sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế thế giới.
Khó khăn vẫn tiếp diễn
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới lại đón nhận một loạt số liệu không vui từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng và tình hình lạm phát tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu chưa khả quan.
Tại Nhật Bản, thống kê cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 8 đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, gần gấp hai lần so với dự báo của các nhà phân tích.
Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), lạm phát tháng 9 dự kiến tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù có tăng so với mức 0,2% trong tháng 8, song vẫn còn cách rất xa mục tiêu gần 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 được dự kiến ở mức 1,6%, không thay đổi kể từ tháng 3/2016.
Barclays từng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3,5% trong năm tới. Song nhà kinh tế David Fernandez, thuộc Barclays, cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ có thể tác động tiêu cực đến những dự báo này. Ông Fernandez đã chỉ ra một số vấn đề như mức độ đầu tư kinh doanh trên toàn cầu vẫn “chậm chạp”, khả năng sản xuất suy giảm, tăng trưởng tiền lương yếu và tỷ lệ lạm phát quá thấp.
Trong báo cáo công bố ngày 4/10, IMF cũng dự báo kinh tế Mỹ Latinh sẽ đạt mức tăng trưởng 0,6% trong năm nay, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4. Theo thể chế tài chính đa phương này, Brazil - nền kinh tế lớn nhất khu vực vẫn chưa ra khỏi thời kỳ suy thoái - có mức sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3,3% trong năm nay và mức tăng nhẹ 0,5% vào năm tới.
Trong lúc Venezuela vẫn là nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất theo nhận định của IMF với dự báo sụt giảm GDP 10% trong năm nay và 4,5% trong năm tới. Thể chế tài chính toàn cầu này nhận định việc giá dầu thô (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Venezuela) tiếp tục ở mức thấp trên thị trường quốc tế tiếp tục cho thấy những mất cân đối vĩ mô của đất nước Nam Mỹ này, dẫn tới tình trạng lạm phát phi mã và thiếu hụt nhu yếu phẩm.
Mexico chịu tác động từ tình trạng “ì ạch xuất khẩu” trong nửa đầu năm nay nên chỉ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2016 và 2,3% trong năm tới, đều thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 4.