Hoạt động M&A doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện theo phương thức nào?
Ở Việt Nam, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) được quan tâm kể từ khi Luật doanh nghiệp năm 1999 ra đời và trở nên sôi động trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh về cả số lượng và quy mô. Một trong những mấu chốt quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động M&A chính là phương thức thực hiện các thương vụ M&A. Bài viết phân tích một số phương thức M&A doanh nghiệp có vốn nhà nước thường áp dụng hiện nay.
Đối với hoạt động mua bán doanh nghiệp có vốn nhà nước
Hoạt động mua bán doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước tại Việt Nam được thực hiện thông qua phương thức mua bán cổ phần nhà nước tại DN. Chi tiết về phương thức được thực hiện như sau:
Thứ nhất, đối với công ty cổ phần có phần vốn nhà nước trong vốn điều lệ của DN, đã hoặc chưa niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán (đã thực hiện IPO để trở thành công ty đại chúng): Phương thức thực hiện là bán cổ phần hiện hữu của Nhà nước.
Việc bán cổ phần của Nhà nước tại DN thực chất là chuyển nhượng phần vốn nhà nước từ chủ sở hữu vốn nhà nước sang các chủ thể khác. Hoạt động bán cổ phần hiện hữu của nhà nước có thể thực hiện thông qua hoặc không thông qua sở giao dịch chứng khoán. Chủ sở hữu vốn nhà nước (Cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN) chịu trách nhiệm bán cổ phần nhà nước tại DN, phối hợp cùng Sở giao dịch chứng khoán, Hội đồng thẩm định năng lực nhà đầu tư và Hội đồng bán đấu giá cổ phần.
Nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá cổ phần theo lô có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam. Giá trúng thầu theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến hết số lượng cổ phần chào mua xong không thấp hơn giá khởi điểm.
Nếu không thực hiện qua sàn chứng khoán, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể lựa chọn phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn nhà nước.
Thứ hai, đối với DN nhà nước có 100% vốn điều lệ nhà nước dưới hình thức công ty TNHH một thành viên độc lập hoặc công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước (không thuộc diện nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ): Việc bán cổ phần nhà nước được quy định trong phương án cổ phần hóa DN.
Cổ phần nhà nước được chào bán lần đầu ra công chúng thông qua các hình thức gồm: (i) Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ; (ii) Bán một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước tại DN; (iii) Bán phần vốn nhà nước tại DN (một phần hoặc toàn bộ) kết hợp phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Việc bán vốn nhà nước tại DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện. Riêng đối với trường hợp DNNN thuộc danh sách DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì phải phối hợp cùng Công ty mua bán nợ và tài sản và các chủ nợ để thực hiện mua lại các khoản nợ trước khi bán vốn nhà nước. Đối tượng mua gồm có tổ chức công đoàn (không quá 3%, nắm giữ ít nhất 3 năm); người lao động; nhà đầu tư chiến lược; chào bán ra công chúng (ít nhất 20%).
Phương thức đấu giá công khai áp dụng trong trường hợp bán đấu giá ra công chúng mà không có sự phân biệt nhà đầu tư là tổ chức, các nhân, trong nước và nước ngoài. Đấu giá công khai được thực hiện qua sở Giao dịch chứng khoán, tuy nhiên nếu quy mô dưới 10 tỷ đồng thì thực hiện tại công ty chứng khoán, trung tâm dịch vụ, DN đấu giá tài sản theo pháp luật đấu giá.
Nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần lần đầu chỉ áp dụng đối với DN thuộc danh mục tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần theo quy định của Thủ tướng. Việc lựa chọn và tổ chức đăng ký mua cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược thực hiện trước thời điểm công bố IPO. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu công khai trên thị trường.
Đối với phần vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính
Theo quy định của Nhà nước, vốn nhà nước không được đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty. Đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại các lĩnh vực ngoài ngành, DNNN phải thực hiện bán phần vốn đầu tư này theo nguyên tắc đấu giá công khai, thực hiện bảo toàn vốn nhà nước. Đây thực chất là phương thức bán hoạt động kinh doanh và không làm thay đổi vốn điều lệ của DNNN cũng như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.
Trong trường hợp đấu giá công khai mà không tìm được bên mua, DNNN báo cáo với cơ quan đại diện chủ sở hữu tại DN, đồng thời đề xuất Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước mua lại phần vốn này.
Đối với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp có vốn nhà nước
Hoạt động sáp nhập DN có vốn nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật DN năm 2014, Nghị định số 172/2013/NĐ-CP, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. Đối với Công ty TNHH một thành viên, sáp nhập là một trong năm cách sắp xếp lại DN, được quy định “là chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp vào công ty nhận sáp nhập”. Đối với công ty cổ phần, điều 194 và điều 195 Luật DN 2014 quy định sáp nhập là một trong những hình thức tổ chức lại DN. Luật Cạnh tranh năm 2018 xem sáp nhập DN tương tự như Nghị định số 172/2013/NĐ-CP.
Hoạt động sáp nhập diễn ra giữa các Công ty TNHH một thành viên là Nhà nước, giữa công ty con với công ty mẹ theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, giữa các công ty cổ phần có sự hiện diện của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước trong cơ cấu sở hữu.
Theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, công ty cổ phần có thể thực hiện hoán đổi cổ phiếu để đổi lấy cổ phiếu của công ty đại chúng hoặc vốn góp của công ty TNHH. Tỷ lệ hoán đổi, số cổ phần phát hành phải được xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật về chứng khoán và cạnh tranh.