Hoạt động M&A doanh nghiệp: Nhìn từ chiến lược của Tập đoàn Kinh đô
Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp luôn đồng hành với sự phát triển của kinh tế toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia. Đặc biệt trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn, hoạt động M&A càng diễn ra mạnh mẽ do sức ép của cạnh tranh. Ở Việt Nam, hoạt động này cũng đang diễn sôi động, Tập đoàn Kinh đô là một trong những điển hình được ghi nhận…
Chiến lược M&A của Tập đoàn Kinh Đô
Trên cơ sở tiếp cận theo hướng chiến lược kinh doanh, bài viết này làm rõ vai trò của mua bán, sáp nhập (M&A) và mối quan hệ giữa mua lại, sát nhập với định giá. Trong đó, tập trung chủ yếu vào hoạt động mua lại doanh nghiệp (DN), tiếp đến là sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống để phân tích ảnh hưởng của công tác định giá đến sự thành công và thất bại của hoạt động mua lại, qua đó chứng minh tính nghệ thuật trong công tác định giá. Tình huống bài viết đề cập với 2 giao dịch là Kinh Đô và Unilever Việt Nam; Tập đoàn Kinh Đô và Tribeco.
Xây dựng tình huống
Tình huống 1
Tập đoàn Kinh Đô là một trong những công ty của Việt Nam đi tiên phong trong việc sử dụng phương án M&A trong chiến lược kinh doanh. Tập đoàn Kinh Đô khởi đầu là một công ty chuyên kinh doanh các loại bánh kẹo. Năm 2003, để thực thi chiến lược đa dạng hóa, từng bước trở thành Tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam, Công ty đã mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất kem Wall’s và những tài sản liên quan khác của Công ty Unilever Việt Nam, từ đó hình thành một đơn vị kinh doanh chiến lược mới rất mạnh trên thị trường, đó là công ty cổ phần KIDO chuyên kinh doanh các loại kem.
Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, Công ty cổ phần kem KIDO (thành viên của Công ty cổ phần Kinh Đô) đã đạt hiệu quả khá tốt với tổng doanh thu hơn 80 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trên 6 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, doanh thu bình quân của Công ty luôn tăng trên 30%, lợi nhuận ròng tăng trên 50%, đứng vị trí số 1 trên thị trường với hơn 60% thị phần kem trung và cao cấp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, với giá mua nhà máy sản xuất kem Wall’s khoảng 20 tỷ đồng thì chỉ cần chiết khấu dòng tiền của Công ty KIDO trong khoảng 3 đến 4 năm là có thể đạt được giá trị trên, nếu chiết khấu dòng tiền đến vô cùng thì giá trị công ty ước tính lớn hơn rất nhiều so với giá mua. Kết quả đó đã chứng minh Tập đoàn Kinh Đô thực sự đúng đắn khi lựa chọn phương án M&A trong chiến lược kinh doanh của mình. Giao dịch này được đánh giá là rất thành công.
Tình huống 2
Nối tiếp thành công đó, Công ty đã sử dụng phương án M&A trong việc triển khai chiến lược đa dạng hóa sang lĩnh vực giải khát, với mục đích vươn đến vị trí số một trong ngành thực phẩm tại Việt Nam, trong năm 2005, tập đoàn Kinh Đô đã tiến hành mua cổ phần của Công ty Tribeco và sở hữu trên 35% số cổ phần của công ty này, đồng thời tham gia điều hành Công ty theo định hướng chiến lược kinh doanh mới.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Tribeco không khả quan, chỉ trong 3 năm sau khi thực hiện thương vụ này, công ty mới đạt được lợi nhuận ròng (năm 2005 đạt 5,7 tỷ đồng, năm 2006 đạt 8,69 tỷ đồng và năm 2007 đạt 15,26 tỷ đồng), những năm sau đó thì lợi nhuận ròng của Tribeco liên tục giảm và nhiều năm lợi nhuận âm. Chính vì vậy, vào năm 2012 Công ty này chính thức giải thể, mỗi cổ đông nhận được 2.300 đồng/cổ phần, giá cổ phiếu niêm yết tại thời điểm bị hủy là 1.800 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, thời điểm mà Tập đoàn Kinh Đô mua cổ phiếu của Tribeco, giá giao động khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Lãnh đạo Tập đoàn Kinh Đô kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị tương đương như khi mua kem Wall’s, mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Tribeco sau khi mua lại trong 3 năm đầu khoảng 30%, sau đó tăng lên 100%. Bên cạnh thương vụ này thì thương vụ mua lại cổ phiếu của Nutifood cũng thất bại. Với 2 thương vụ trên thì Tập đoàn Kinh Đô đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 70 tỷ đồng.
Phân tích tình huống
Nếu Tập đoàn Kinh Đô không sử dụng biện pháp M&A trong chiến lược kinh doanh khi mua cổ phần của kem Wall’s thì có thể phải mất thời gian rất lâu mới đạt được giá trị như ngày hôm nay. Từ khi Tập đoàn Kinh Đô bắt đầu xây dựng nhà máy, sản xuất, phát triển hệ thống phân phối… phải mất hơn 5 năm mới có vị thế như kem Wall’s tại thời điểm được bán. Bằng phương án M&A, công ty chỉ mất 1 năm đã có thể tham gia vào một ngành kinh doanh mới với loại sản phẩm hoàn toàn mới, bên cạnh lợi thế về thời gian và cơ hội kinh doanh thì Tập đoàn Kinh Đô còn đạt được nhiều lợi ích khác như có được đội ngũ nhân viên, kỹ năng quản lý hay thương hiệu.
Tuy nhiên, không phải mọi giao dịch M&A đều thành công, đặc biệt là giao dịch với Tribeco, Tập đoàn Kinh Đô đã thất bại, qua đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Tập đoàn.
Nếu như Tập đoàn Kinh Đô thành công trong các thương vụ M&A là do biết nắm bắt cơ hội kinh doanh, đánh giá đúng tiềm năng phát triển của ngành kinh doanh mới và định giá đúng về giá trị của các tài sản chuyển giao bao gồm tài sản của nhà máy, bí quyết công nghệ sản xuất, thương hiệu, nguồn nhân lực và thương lượng thành công để đạt được mức giá thỏa thuận tốt, thì nguyên nhân thất bại khi mua cổ phần của Tribeco lại xuất phát từ sai lầm khi đánh giá thị trường kem và thị trường nước giải khát “tương đương” nhau.
Tức là tại thời điểm đó, thị trường kem ít chịu sự cạnh tranh, tiềm năng thị trường cao trong khi Tribeco lại chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các công ty nước giải khát như Pespi, Coca-Cola, Tân Hiệp Phát… Thêm vào đó là giá trị thị trường của cổ phiếu Tribeco đang ở mức cao, đồng thời Tập đoàn Kinh Đô chưa tính đến sự xuất hiện của một cổ đông lớn khác của Tribeco là Uni President (chiếm khoảng 43,6% cổ phần) nên cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh mới của Tập đoàn Kinh Đô.
Bài học kinh nghiệm
Từ các phân tích, để thực hiện thành công các giao dịch M&A thì các DN tùy theo phạm vi, quy mô và tính chất của ngành, nghề kinh doanh cần phát huy được những lợi thế này của hoạt động M&A. Tuy nhiên, để các hoạt động M&A do DN Việt Nam thực hiện có tỷ lệ thành công cao và nâng cao giá trị gia tăng cho các thương vụ M&A thì cần thận trọng trong công tác định giá, cụ thể cần thực hiện tốt những vấn đề sau:
Thứ nhất, các DN tự trang bị cho mình kiến thức về hoạt động M&A, cần bổ sung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng việc thực hiện các thương vụ M&A. Bởi yếu tố cốt lõi của các thương vụ M&A là việc định giá DN, đa phần các thương vụ M&A không thành công đến từ việc người bán trả giá quá cao so với giá trị thực tế của DN, vượt mức chi trả của người mua hoặc sau khi đã mua thì lại lúng túng trong việc quản lý một hệ thống cơ cấu tổ chức mới như tình huống Tập đoàn Kinh Đô mua lại cổ phiếu công ty Tribeco.
Thứ hai, khi đánh giá năng lực kinh doanh của một công ty cần căn cứ trên kết quả thực tế và nguồn lực của công ty, không nên sử dụng phương pháp phân tích tương đương không phù hợp, các giao dịch thành công trước đó không quyết định đến sự thành công các của giao dịch sau. Khi chuyển nhượng kem Wall’s với các nguồn lực được chuyển nhượng, Tập đoàn Kinh Đô rất dễ thành công do tính hiện đại, chuyên nghiệp... nhưng với Công ty Tribeco thì hoàn toàn khác nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Thứ ba, định giá DN là một nghệ thuật nên chúng ta cần kết hợp nhiều phương pháp để xác định giá trị của DN mục tiêu, sau đó cần tiếp cận đối tượng, phân tích tình huống kinh doanh để điều chỉnh và nỗ lực thương lượng để đạt được giá mua tốt nhất.
Thứ tư, ngoài các yếu tố tự thân DN thì hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A cần thống nhất và cụ thể hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
1. Scott Moeller, Chris Brady – Thủy Nguyệt dịch (2009) Mua lại và sát nhập thông minh, NXB Trí thức;
2. Website: www.cafef.vn; www.StoxPlus.com