Hoạt động rửa tiền tại Việt Nam: Nhìn từ vụ đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng

PV.

Vụ đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng vừa bị phanh phui và đưa ra xét xử công khai mới đây với nhiều tổ chức và cá nhân liên quan đã nói lên nhiều điều về thực trạng hoạt động rửa tiền ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, sự kiện này cũng cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, cuộc chiến chống rửa tiền ngày càng trở nên quyết liệt, phức tạp hơn trước cách hành vi rửa tiền vô cùng tinh vi.

Hoạt động rửa tiền thường núp bóng dưới nhiều hình thức, trong đó, đánh bạc trực tuyến không phải là ngoại lệ. Sáng 13/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ mở phiên toà lớn nhất trong lịch sử với 92 bị cáo ở 6 nhóm tội danh. Trong các bị cáo có hai người từng mang chức vụ cao là cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 Nguyễn Thanh Hoá. Trước đó, đường dây đánh bạc trực tuyến quy mô siêu khủng với số tiền thu gần 10.000 tỷ đồng được bị cơ quan điều tra phát hiện và triệt phá. Theo bản án sơ thẩm tuyên ngày 30/11, tính tới 29/8/2017 (khi hệ thống bị đánh sập) có gần 43 triệu tài khoản, với gần 10.000 tỷ đồng được nạp vào hệ thống. Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, con số này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24/6/2017 đến ngày kết thúc 29/8/2018.

Giai đoạn 1 của vụ án, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh 9 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù cùng về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đối với tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền", bị cáo Nguyễn Văn Dương nhận tổng mức hình phạt 10 năm tù, Phan Sào Nam 5 năm tù. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt tương xứng với hành vi và hậu quả về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ án này, Phan Sào Nam (39 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty VTC online) đã cùng với Hoàng Thành Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm phần mềm Công ty VTC Intecom xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club. Để rửa khoản tiền thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, Nam chuyển cho người thân, bạn bè gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền. Thậm chí, Phan Sào Nam còn gửi tại ngân hàng Bank of Singapore số tiền 3,5 triệu USD.

Một số đối tượng còn hợp thức hóa nguồn tiền thu bất chính từ đánh bạc qua mạng bằng cách sử dụng doanh nghiệp để rửa tiền, chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, trong đó trường hợp của Nguyễn Văn Dương là một ví dụ. Cụ thể, sau khi được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Dương chuyển tiền góp vốn vào Công ty cổ phần đầu tư UDIC với số tiền 576 tỷ đồng; Góp vốn vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với số tiền 329 tỷ đồng…

Có thể nói, vụ đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng nói lên khá nhiều điều về hoạt động rửa tiền ở Việt Nam. Hiện nay, Luật Phòng chống rửa tiền 2013, Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Rửa tiền” cũng như các quy định về thuế, kiểm soát tài sản phục vụ công tác phòng chống rửa tiền đã có và trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế các văn bản quy phạm pháp luật này còn chưa đủ mạnh để yêu cầu cá nhân, tổ chức có sự giải thích, chứng minh hợp lý về nguồn gốc tài sản của mình. Ngoài ra, vẫn còn những kẻ hở mà hiện nay các quy định vẫn chưa thể điều chỉnh do sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, thông qua vụ án này, cần phải tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm các ngân hàng trong việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua các tài khoản cá nhân với số lượng lớn để các đối tượng trong vụ án lợi dụng thanh toán doanh thu tổ chức đánh bạc, từ đó tìm ra kẽ hở của pháp luật trong phòng chống rửa tiền để kiến nghị khắc phục, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động phát hành thẻ cào viễn thông nhất là thẻ cào này còn sử dụng cho các dịch vụ ngoài lĩnh vực viễn thông. Bởi đây cũng chính là kẽ hở có thể khiến các đối tượng lợi dụng để thu lợi, phục vụ cho các hoạt động liên quan đến rửa tiền.