Công nghệ thông tin - Công cụ giám sát tội phạm rửa tiền hiệu quả cho các ngân hàng
Qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của một số nước trên thế giới cho thấy, công nghệ thông tin được coi là công cụ xử lý các vấn đề tuân thủ về tội phạm tài chính và rửa tiền hiệu quả hơn, nhanh hơn, với chi phí thấp hơn. Ở Việt Nam, để ngăn chặn tội phạm rửa tiền, bên cạnh các biện pháp mạnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mới nhằm hỗ trợ các ngân hàng quản lý, giám sát hoạt động rửa tiền nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, thủ đoạn rửa tiền hiện nay có diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp và đang là thách thức lớn với công tác phòng, chống rửa tiền. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đặc biệt là công nghệ đột phá được coi là biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho các ngân hàng trong việc phòng, chống rửa tiền.
Chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phòng, chống rửa tiền, ông Richard Major, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn tội phạm tài chính của PwC tại Đông Nam Á cho rằng, phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính là việc mà các cơ quan quản lý ở các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm hơn. Ở Việt Nam, do các giao dịch tiền mặt vẫn rất phổ biến nên rủi ro về rửa tiền cao hơn và khó phát hiện hơn.
Theo kết quả khảo sát Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2018 của PwC, khoảng 50% người trả lời khảo sát tại Đông Nam Á cho biết, từng là nạn nhân của tội phạm kinh tế hoặc gian lận trong vòng 2 năm qua; 36% các tổ chức được khảo sát cho biết, họ đã đối mặt với tội phạm kinh tế nói chung và 32% cho biết là nạn nhân của tội phạm mạng. 75% số tổ chức được khảo sát cho biết đã tiến hành đánh giá rủi ro về tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố trong 2 năm gần đây. Như vậy còn có 25% các đơn vị, tổ chức chưa làm việc này.
Những con số từ khảo sát trên cho thấy, vấn nạn rửa tiền đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát. Trước đây, nhiều ngân hàng tập trung vào tuyển dụng nhân sự để tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tội phạm tài chính. Tuy nhiên, hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các ngân hàng có thể xử lý các vấn đề tuân thủ về tội phạm tài chính và rửa tiền nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại cũng đã có giải pháp tìm hiểu và ứng dụng các công nghệ mới, các công nghệ đột phá và ở một phương diện nào đó để đối phó với vấn nạn phòng, chống rửa tiền.
Từ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ sinh trắc học thành công ở Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu như Anh, Hà Lan, các ngân hàng cũng chủ động tìm hiểu về công nghệ mới này trong công tác phòng, chống rửa tiền và tội phạm tài chính và sử dụng công nghệ để quản lý và giảm thiểu rủi ro từ các loại hình tội phạm này.
Về lợi ích của việc ứng dụng các công nghệ sinh trắc học hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhận biết khách hàng, theo các chuyên gia đến từ PwC, thẩm định khách hàng, phân loại rủi ro này và giám sát các giao dịch rửa tiền. Công nghệ này cũng giúp các ngân hàng quản lý quan hệ khách hàng tốt hơn, giúp tăng doanh thu và giảm thiệt hại do gian lận.
Từ những lợi ích của công nghệ sinh trắc, gợi ý cho Việt Nam phương thức ứng dụng công nghệ này vào hoạt động phòng, chống rửa tiền, các chuyên gia PwC, để phòng, chống rửa tiền và tội phạm tài chính hiệu quả cần có sự phối hợp, thống nhất và có sự kết nối từ các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính với nhau. Sự thống nhất, kết nối bằng công nghệ rất quan trọng để phòng, chống và phát hiện tội phạm tài chính, rửa tiền.
Tóm lại, công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đã và đang được Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quan tâm triển khai nhiều giải pháp, trong đó vai trò của Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) trong phòng, chống rửa tiền ngày càng được thể hiện rõ. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong và ngoài ngành tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.