Một số vấn đề đáng lưu ý về báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố

PV.

Hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có để tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ cho hành vi khủng bố. Hiện nay, công tác báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố được quy định khá rõ ràng giúp các đối tượng báo cáo liên quan có thể nắm bắt và thực hiện một cách dễ dàng.

Theo Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, Chống rửa tiền, thì hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có để tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ cho hành vi khủng bố. Nghị định này cũng nêu rõ, căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố gồm:

Thứ nhất, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

Thứ hai, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo;

Thứ ba, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam;

Thứ tư, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.

Liên quan đến việc báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, để giúp việc báo cáo được thuận lợi, Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định NHNN có trách nhiệm hướng dẫn đối tượng báo cáo thực hiện Khoản 1 Điều 30 Luật phòng, chống rửa tiền theo pháp luật về phòng, chống rửa tiền và pháp luật về phòng, chống khủng bố. Trong khi đó, đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp phòng ngừa như: Nhận biết khách hàng; Thông tin nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Chủ sở hữu hưởng lợi; Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; Hoạt động kinh doanh qua giới thiệu; Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; và Báo cáo giao dịch đáng ngờ nhằm đảm bảo báo cáo kịp thời theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Điều 8, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của NHNN về hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền, thì , khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch nằm trong danh sách đen hoặc khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đồng thời báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền bằng văn bản hoặc bằng tệp dữ liệu điện tử theo quy định.

Trong đó, đối với hình thức báo cáo bằng văn bản thì nội dung báo cáo bao gồm các thông tin sau: Đối tượng báo cáo (tên, địa chỉ, số điện thoại); Cơ quan nhận báo cáo (tên, địa chỉ); Tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách đen hoặc thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố (Tên; quốc tịch; số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, địa chỉ, số tài khoản…); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan (Tên; quốc tịch; các thông tin khác như số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, mã số thuế, số đăng ký kinh doanh, địa chỉ, số tài khoản…); Đối với chuyển tiền điện tử, gồm các thông tin như: Tổ chức phát lệnh chuyển tiền, Tổ chức phục vụ người thụ hưởng, Cá nhân, tổ chức chuyển tiền và cá nhân, tổ chức thụ hưởng…; Các biện pháp tạm thời đã áp dụng và thông tin về giao dịch, tài sản liên quan đến các biện pháp đã áp dụng; Họ tên, chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu của đối tượng báo cáo (nếu có).

Đối với hình thức báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử, báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử phải theo đúng định dạng, ký hiệu, mã truyền tin, cấu trúc fĩle theo hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Đối tượng báo cáo phải truyền tin theo quy trình do NHNN Việt Nam quy định và có biện pháp bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 29 Luật phòng, chống rửa tiền. Đối tượng báo cáo phải cài đặt phần mềm truyền file do Cục Phòng, chống rửa tiền cung cấp. Đối tượng báo cáo phải đăng ký bằng văn bản với Cục Phòng, chống rửa tiền về cán bộ phụ trách báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử (bao gồm: các thông tin về họ tên, chức vụ, địa chỉ nơi làm việc, điện thoại, địa chỉ email và phải thông báo bằng văn bản khi có sự thay đổi thông tin về cán bộ phụ trách hoặc thay đổi cán bộ phụ trách khác.