Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thương mại còn nhiều bất cập
Tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại trong điều kiện không minh bạch gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển kinh tế, nhưng vẫn chưa được thanh tra, giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập.
Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định quản lý hoạt động của những tập đoàn tài chính lại chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Tại Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam" tổ chức ngày 5/12, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Các tổ chức tín dụng mới. Việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện tính minh bạch, đặc biệt về mức trần sở hữu của ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Ông Nghĩa đưa ra ví dụ về trường hợp của Ngân hàng SCB, tồn tại trong nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, để lại bài học lớn trong việc xây dựng thể chế nhằm quản lý các tập đoàn tài chính đa ngành.
“Nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Vấn đề tỷ lệ an toàn vốn và lộ trình tuân thủ, ông Nghĩa cũng nói thêm rằng một số ngân hàng hiện đang vượt quá các tỷ lệ an toàn vốn quy định. Ông cho rằng không nên có lộ trình dài để các ngân hàng này tuân thủ, mà nên yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ ngay trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Bởi các ngân hàng có thể tìm cách trốn tránh các quy định, như việc phát hành trái phiếu trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra.
Đề xuất giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính, ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo minh bạch và thực thi công tác quản lý, giám sát một cách đầy đủ, khách quan và trung thực. Nếu ngân hàng đứng đầu một tập đoàn tài chính, thì Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện giám sát; nếu là tập đoàn chứng khoán thì Bộ Tài chính sẽ là cơ quan giám sát chính.
Ông Phạm Xuân Hòe cũng chia sẻ về mô hình giám sát của Đức, nơi mỗi ngân hàng có hai tổng giám đốc: một người chịu trách nhiệm về rủi ro, người còn lại quản lý việc vay vốn. Cả hai cùng tham gia bỏ phiếu trong hội đồng quản trị, trong đó người chịu trách nhiệm về rủi ro sẽ có quyền cao hơn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng, công tác thanh tra và giám sát cần phải được cải cách một cách mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn, ví dụ như việc rút giấy phép hoạt động đối với các ngân hàng vi phạm quy định về sở hữu nhiều lần. Đồng thời, trong văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có thể đưa ra quy định rằng nếu một ngân hàng tái phạm nhiều lần, (ví dụ như 3 lần) sẽ phải bị thu hồi giấy phép.
“Cần phải có những ngân hàng vi phạm bị xử lý mạnh mẽ để làm gương, tạo hiệu ứng răn đe cho toàn thị trường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.