Hội nghị G20 khai mạc với trọng tâm: Phục hồi kinh tế và biến đổi khí hậu

Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 đã khai mạc tại thành phố Bali của Indonesia ngày 15/11, tập trung vào các vấn đề liên quan đến phục hồi kinh tế thế giới, hệ thống y tế thế giới và biến đổi khí hậu.

 Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17. Ảnh: AFP
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17. Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 đặt mục tiêu ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó cam kết tăng cường các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm giải quyết hàng loạt thách thức và khủng hoảng trầm trọng mà cả thế giới đang phải đối mặt.

Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với chủ đề "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn", các vấn đề khác cũng sẽ được thảo luận bao gồm: Chuyển đổi kỹ thuật số, an ninh lương thực và năng lượng. Về chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, các nhà lãnh đạo G20 sẽ thảo luận về các sáng kiến và đề xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế kỹ thuật số, từ đó nhanh chóng phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19; thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nhất là tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển kỹ năng và phổ biến kiến thức kỹ thuật số; kết nối các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy tài trợ thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy nhanh số hóa nhằm đưa lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới. Về chuyển đổi năng lượng bền vững, nội dung chính sẽ là việc mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và các nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường và thông qua Nguyên tắc chung Bali về thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết Indonesia hy vọng hội nghị thượng đỉnh có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu một cách toàn diện.

Tổng thống Joko Widodo cho rằng các cuộc xung đột và chiến tranh cần chấm dứt nếu không thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiến lên phía trước. Với tư cách là nước chủ tịch G20, Indonesia đã cố gắng hết sức có thể để làm cầu nối thu hẹp các khác biệt, đồng thời kêu gọi các nước thành viên khác thể hiện thành ý, đoàn kết ít nhất là trong vấn đề kinh tế. Tổng thống Indonesia kêu gọi các nước G20 phát huy tinh thần trách nhiệm, không chỉ đối với người dân của nước mình, mà còn với nhân loại trên toàn thế giới. Tổng thống Indonesia nhấn mạnh, đảm nhận trách nhiệm có nghĩa là tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất quán các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi chứ không phải tổng bằng 0. Ông Widodo nói: “Chúng ta không được chia thế giới thành nhiều phần”.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức như: Kinh tế phục hồi mong manh, đại dịch COVID-19 kéo dài, lạm phát cao hơn bao giờ hết trong những thập kỷ gần đây, điều kiện tài chính eo hẹp ở đa số các khu vực.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,2% trong năm nay và 2,7% vào năm 2023, với mức điều chỉnh giảm 0,2% cho năm 2023 so với dự báo đưa ra hồi tháng 7.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bali, Indonesia, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết: Với dân số thế giới là 8 tỷ người, hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức quy tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ là chìa khóa để xác định liệu mọi người có thể sống trên một hành tinh hòa bình và lành mạnh hay không. Nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra đúng vào "thời điểm quan trọng và bấp bênh nhất trong các thế hệ", ông António Guterres kêu gọi G20 ủng hộ các sáng kiến của ông về khí hậu, phát triển bền vững, chống khủng hoảng lương thực, năng lượng toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số. Người đứng đầu Liên hợp quốc lưu ý sự chia rẽ địa chính trị đang làm dấy lên những xung đột mới và khiến những xung đột cũ trở nên khó giải quyết, trong khi “mọi người ở khắp mọi nơi đang bị ảnh hưởng theo mọi hướng” bởi biến đổi khí hậu và chi phí sinh hoạt tăng cao. Ông cũng đồng thời nêu rõ: G20 là điểm khởi đầu để lấp đầy những chia rẽ và tìm ra giải pháp cho những cuộc khủng hoảng này và hơn thế nữa.

Cộng đồng quốc tế cũng đặt hy vọng vào các nền kinh tế lớn tăng cường phối hợp về các chính sách kinh tế vĩ mô và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cởi mở, hội nhập và hợp tác cùng có lợi tại hội nghị.

Được thành lập vào năm 1999, G20 là một diễn đàn quan trọng để hợp tác quốc tế về các vấn đề tài chính và kinh tế. Bên cạnh Liên minh châu Âu, G20 bao gồm 19 quốc gia là: Nam Phi, Đức, Ả Rập Xê-út, Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.