G20 bắt tay thiết lập mức thuế mới lên các doanh nghiệp đa quốc gia
Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, các lãnh đạo G20 đã tán thành thỏa thuận mang tính lịch sử, trong đó các tập đoàn đa quốc gia phải chịu mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 864 triệu USD. Mức thuế nói trên có thể giúp bổ sung nguồn thu thuế hàng năm không dưới 60 tỷ USD. Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng cũng chuyển doanh thu từ thuế đến các quốc gia phân phối sản phẩm, thay vì nơi họ có trụ sở.
Kế hoạch cải tổ này đã được gần 140 quốc gia ủng hộ, nhằm chấm dứt hoạt động che giấu lợi nhuận ở các quốc gia thuế suất thấp của các tập đoàn lớn như Apple và công ty mẹ Alphabet của Google. Giới quan sát nhận định, thỏa thuận này hữu hiệu vì sẽ giúp xóa bỏ các động cơ thúc đẩy dịch chuyển việc làm của người Mỹ ra nước ngoài, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, và cung cấp nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết “Đây không chỉ là một thỏa thuận về thuế, đó còn là chính sách ngoại giao đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu của chúng ta và mang lại lợi ích cho người dân trên toàn cầu”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây không chỉ là một thỏa thuận về thuế, đó là sự định hình lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt sự tham gia của Hoa Kỳ trong thỏa thuận thuế là rất quan trọng khi 28% trong số 2.000 doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất có trụ sở ở quốc gia này.
Đến năm 2016, hơn một nửa tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ được ghi nhận tại bảy thiên đường thuế: Bermuda, Quần đảo Cayman, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Singapore và Thụy Sĩ. Đặc biệt, một loạt các hồ sơ như Hồ sơ Paradise với 13,4 triệu tài liệu đã phơi bày những khu vực trên thế giới đang "dung túng" những người trốn thuế, và cả những chiêu trò tinh vi, phức tạp của các tập đoàn đa quốc gia giàu có nhất để có thể lách luật, bảo vệ tài sản của họ.
Do đó, mục tiêu của G-20 là hạn chế khả năng các doanh nghiệp giảm hóa đơn thuế bằng cách ghi nhận lợi nhuận của họ ở các “thiên đường thuế”. Điều này đã trở nên phổ biến khi các doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhau; đồng thời với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các doanh nghiệp có thể bán hàng ở những quốc gia mà họ có ít sự hiện diện thực tế.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù thỏa thuận đã vượt qua một số trở ngại lớn, nhưng nó cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn tiềm ẩn trước khi có hiệu lực và chứng tỏ mức độ hiệu quả, bao gồm việc xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, cũng như bảo đảm các quốc gia ký kết phải tuân thủ cam kết bằng cách ban hành luật trong nước để thực hiện các quy tắc thuế mới bằng cách chính thức thông qua một công ước đa phương do OECD soạn thảo.
Một số quốc gia đang phát triển và một số tổ chức như Oxfam và Mạng lưới Tư pháp Thuế có trụ sở tại Anh cho rằng tỷ lệ 15% là quá thấp. Và mặc dù mức thuế tối thiểu sẽ mang lại khoảng 150 tỷ USD doanh thu cho các chính phủ, nhưng phần lớn trong số đó sẽ thuộc về các nước giàu do đa phần các tập đoàn lớn nhất đều đặt trụ sở chính ở những quốc gia này. Các nước đang phát triển tham gia các cuộc đàm phán đều đã ký kết ngoại trừ Nigeria, Kenya, Pakistan và Sri Lanka.
Bên cạnh đó, bất chấp sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền Biden, thỏa thuận tổng thể vẫn có thể đối mặt với thách thức lớn nhất ở Hoa Kỳ, khi Tổng thống khó có thể thuyết phục các nhà lập pháp tại Quốc hội chấp thuận việc phân bổ lại thuế mới.
Các Nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa và một số nhóm doanh nghiệp nói rằng mức thuế mới được đề xuất sẽ khiến nước Mỹ kém cạnh tranh hơn. Hiện nay các đề xuất về thuế của Tổng thống Biden vẫn đang được thương lượng tại Quốc hội. Mặc dù các đảng viên Dân chủ Quốc hội có thể nỗ lực thúc đẩy thông qua mức thuế tối thiểu 15% vào mùa thu này như một phần của gói chi tiêu do ông Biden đề xuất, nhưng việc ban hành phân bổ lại thuế có thể sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ các đảng viên đảng Cộng hòa và sẽ mất vài tháng nữa để chính thức được phê duyệt.