Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử Quốc hội khóa XV
Sáng ngày 15/7, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021–2026. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức tinh giản, gọn nhẹ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid–19; rà soát số lượng hợp lý các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung tại điểm cầu Nhà Quốc hội; tại địa phương, tuỳ theo điều kiện thực tế, rút gọn số lượng tham dự và có thể nối điểm cầu trực tiếp xuống các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021–2026 luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng sự vào cuộc đầy trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào và cử tri cả nước.
Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dù diễn ra trong bồi cảnh khó khăn, tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng cuộc bầu cử đã được tổ chức an toàn, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước, bằng 18% so với các kỳ bầu cử trước đây; gần 70 triệu lá phiếu đã được cử tri tham gia bỏ phiếu tại 84.767 khu vực.
Cử tri trên cả nước đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Tự hào về những kết quả đã đạt được trong cuộc bầu cử vừa qua, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, từ thành công trong bẩu cử, Hội nghị thống nhất cao với 5 bài học kinh nghiệm được rút ra. Đó là, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, sự tin tưởng của Nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân; sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử; sự quyết tâm chính trị cao cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử; sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Khẳng định những kết quả đạt được của cuộc bầu cử mới chỉ là thành quả bước đầu, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại sau bầu cử. Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ có Báo cáo tổng kết bầu cử và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV để báo cáo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh về nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp rất lớn, rất quan trọng, đòi hỏi phải sớm bắt tay vào triển khai thực hiện.
Trước mắt, cần tập trung vào tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, kỳ họp quan trọng, với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định tổ chức và nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ; xem xét, quyết định một số chương trình, kế hoạch lớn của nước ta cho 5 năm sắp tới, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn và một số Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm tới đây là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khoá XV, của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021–2026 cũng tác động trực tiếp và đánh dấu mức độ chuyển biến về chất trong đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.