Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội nâng cao thế và lực của Việt Nam
(Tài chính) Trên cơ sở đường lối đổi mới “mở cửa” nền kinh tế và phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, từ Đại hội Đảng lần thứ.
Thành tựu hội nhập
PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, sau gần 30 năm hội nhập, qua các kỳ đại hội, tư tưởng và chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng đã từng bước phát triển, phù hợp với quá trình đổi mới tư duy và diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 175 nước, có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia, quan hệ đối tác chiến lược theo lĩnh vực với 2 nước và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 11 nước khác; đã ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần với các đối tác quốc tế.
Việt Nam hiện đang tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương (FTA); đã chủ động tham gia và đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTAs) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan... Việc tham gia ký kết và đàm phán, tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, giúp xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao tiền lương và thu nhập.
Tính từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã ban hành được hơn 160 luật và sửa đổi bổ sung hơn 50 luật, trong đó, giai đoạn từ sau khi gia nhập WTO đã ban hành được 86 luật và sửa đổi, bổ sung 27 luật. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận. Đến nay, gần 50 quốc gia đã chính thức công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu rõ 3 chuyển biến lớn trong quá trình hội nhập của Việt Nam: Từ đơn phương đến đa phương; từ kinh tế sang toàn diện; từ thương mại đầu tư sang các lĩnh vực dịch vụ. Hội nhập trở thành bộ phận hữu cơ của cải cách trong phát triển.
Những thành tựu quan trọng của gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế đã được GS. TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khái quát như sau: Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế...
Cùng với quá trình hội nhập mạnh mẽ, thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, bình quân 22,58%/năm trong giai đoạn 2011 - 2013. Việt Nam được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Xuất khẩu hàng hóa góp phần chủ yếu vào tăng trưởng GDP và trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Với việc triển khai và hoàn tất 15 FTA đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết nối rộng lớn với 56 nền kinh tế, trong đó có 18 thành viên APEC và hầu hết các trung tâm kinh tế thế giới, qua đó nâng cao hình ảnh quốc gia, vị thế quốc tế của Việt Nam. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011 - 2013, Việt Nam đã thu hút được 3.568 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký là 49.997 triệu USD, vốn thực hiện là 32.960 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động...
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào 3 chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nổi bật nhất là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy. Một số sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế như dầu khí, viễn thông, dệt may, một số sản phẩm nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu...).
Một số hạn chế
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về hội nhập nhưng vẫn giữ vững được tự chủ; tổng lực của đất nước có tăng lên; thể chế cũng đã khá lên. Tuy nhiên, nội lực về kinh tế của Việt Nam chưa tương xứng tiềm năng. Thể chế tuy khá lên nhưng chưa theo kịp được hội nhập.
GS.TS. Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một số hạn chế của quá trình hội nhập, trong đó, có tình trạng hội nhập chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa thực sự gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; chưa phát huy tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Một số bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thiếu chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện, cụ thể... nhất là tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại.
Việc tự do hóa thương mại, đầu tư một số thị trường, lĩnh vực còn chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế. Có sự chậm trễ trong việc xây dựng hàng rào kỹ thuật cần thiết cũng như hệ thống quản lý thị trường đủ năng lực và hiệu quả để bảo vệ thị trường trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu và hàng độc hại gây tác động đến môi trường sản xuất, kinh doanh và sức khỏe cộng đồng.
Nâng cao hiệu quả kinh tế từ hội nhập
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện thêm nhiều giải pháp: Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, điều chỉnh thương mại trên cơ sở cam kết với các tổ chức quốc tế, hoàn thiện thể chế gắn với chi phí hiệu quả, phát huy tối đa lợi thế so sánh môi trường kinh doanh xuất, nhập khẩu, để từ đó có lộ trình kinh tế quốc tế phù hợp. Tăng trưởng phải gắn với bảo vệ môi trường.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan gợi ý 3 vấn đề liên quan đến hội nhập: Một là, cần liên kết các cam kết hội nhập thành một thể thống nhất, trong đó định rõ ưu tiên về khu vực, đối tượng; Hai là, hội nhập toàn diện, lấy kinh tế làm trung tâm. Nhưng cần linh hoạt, tức là, có khu vực kinh tế phải là trung tâm, có khu vực chính trị phải là trung tâm; Ba là, hội nhập phải xoáy mạnh vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng để mô hình phát triển của Việt Nam đạt hiệu quả chất lượng vượt bậc. Phải thay đổi cấu trúc, nhưng kết quả cuối cùng phải là năng suất lao động và hiệu quả. Tức là hội nhập phải đạt năng suất cao, hiệu quả cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã gợi mở 4 giải pháp:
Thứ nhất, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Hiện nay, các nền kinh tế đều liên thông và phụ thuộc lẫn nhau, nhưng phải giữ được tự chủ kinh tế (tự quyết định về đường lối, chiến lược phát triển) với những vấn đề đặt ra như: Quan hệ giữa luật lệ và quy tắc của hệ thống kinh tế thế giới và định hướng phát triển quốc gia; định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập kinh tế quốc tế; cơ chế bảo đảm giữ được độc lập, tự chủ kinh tế và định hướng xã hội chủ nghĩa trong khi phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, cần nghiên cứu sâu chính sách “mở cửa” và quá trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các cam kết mang tính thể chế trong từng hiệp định (FTA/ASEAN, ASEAN+, FTA song phương, WTO, TPP…) để tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm…; giảm thiểu những rủi ro, giành thế chủ động trong đàm phán để có những thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế khi hội nhập sâu, rộng vào kinh tế toàn cầu với những luật chơi khắc nghiệt hơn, đòi hỏi cao hơn và phức tạp hơn.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện thực hiện các FTA ở cấp độ cao hơn, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…; có đại diện làm việc tại các tổ chức thương mại, đầu tư, giải quyết tranh chấp quốc tế.
Thứ tư, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, nhất là TPP và FTA Việt Nam - EU. Hoàn thiện thể chế để tận dụng cơ hội và phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO, TPP… Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế.