Hội nhập kinh tế quốc tế và những tác động đến kinh tế Việt Nam
Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, trong những năm qua, nước ta đã từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Những kết quả đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập
Việc gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 là sự kiện mở đầu cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và việc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đánh dấu bước hội nhập toàn diện của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.
Triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về hội nhập quốc tế, trong đó xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Để thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/05/2014 về chương trình hành động của Chính phủ với các mục tiêu cụ thể trên các lĩnh vực. Điều này cho thấy hội nhập quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong hành trình đổi mới đất nước.
Thực tế cho thấy, giai đoạn qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động trong đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với các đối tác. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định FTA với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, điển hình như Hiệp định FTA Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là các FTA thế hệ mới với diện cam kết rộng và hợp tác sâu. Ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, các nước tham gia còn cam kết trên nhiều lĩnh vực khác.
Ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức mở ra vào ngày 31/12/2015. Việc tham gia ASEAN và thực hiện các cam kết quốc tế sẽ góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đồng thời làm cơ sở, tiền đề giúp Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác.
Giai đoạn 2016 - 2020, theo lộ trình cam kết, phần lớn các hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia đều bước sang giai đoạn cắt giảm sâu, xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với phần lớn các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Trong đó, hầu hết các FTA Việt Nam đã ký kết thì mức độ tự do hóa về thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 97%.
Xét về lộ trình, FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA năm 2018, tiếp đó là ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) năm 2020 và ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) năm 2021. Hiện nay, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao. Trong ATIGA đạt khoảng 93%, 84% số dòng thuế về 0%, 78% và ASEAN - Nhật Bản 62%. Còn 2 FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế như sau:
- Với EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.
- Trong TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế cơ bản từ 4 -10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam cam kết lộ trình trên 10 năm hoặc hạn ngạch thuế quan.
Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến Việt Nam
Theo đánh giá, phạm vi, đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện, trong 3 - 5 năm tới sẽ chạm dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu. Xét về tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, việc ký kết 2 Hiệp định quan trọng TPP và Việt Nam - EU tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Cụ thể:
- Đối với xuất, nhập khẩu: Quá trình thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện hệ thống quản lý hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế và cắt giảm hàng rào thuế quan đã tạo ra tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cơ hội lớn nhất là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nếu như năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 111,3 tỷ USD thì tới năm 2015 con số này đã tăng khoảng 3 lần đạt 328 tỷ USD.
Các đối tác FTA của Việt Nam đều là đối tác thương mại quan trọng, thể hiện ở giá trị thương mại lớn và tỷ trọng cao trên tổng số liệu thương mại với thế giới của Việt Nam hàng năm. Thương mại của Việt Nam với các đối tác đã và đang đàm phán luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Thời gian tới, khi các cam kết FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ và EU có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.
- Đối với chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu: Hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng sản phẩm dệt may, giày dép, nông sản có xu hướng giảm xuống, trong khi đó tỷ trọng của các nhóm sản phẩm như máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại tăng lên, chiếm tới 27,7% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
- Đối với thu hút FDI: Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế đã và sẽ mở ra các cơ hội lớn đối với lĩnh vực đầu tư của Việt Nam. Đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tiếp cận và hưởng ưu đãi thuế quan từ các thị trường lớn mà Việt Nam đã ký kết FTA như: Khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết trong các FTA thế hệ mới sẽ khiến cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên thông thoáng hơn, minh bạch hơn, thuận lợi hơn từ đó sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư...
Giai đoạn qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động trong đàm phán và ký kết các Hiệp định FTA mới với các đối tác. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định FTA với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, điển hình như Hiệp định FTA Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
(i) Mặc dù giai đoạn 2015 - 2018, các Hiệp định thương mại đã ký kết với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc bước vào giai đoạn cắt giảm thuế và xóa bỏ thuế quan sâu, song lộ trình cắt giảm thuế đã thực hiện từ nhiều năm nên không có ảnh hưởng đột ngột đến nguồn thu NSNN. Đối với TPP, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước TPP chiếm khoảng hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu, tuy nhiên, trong số 11 nước thành viên TPP, Việt Nam đã ký kết FTA với 6/11 nước, đồng thời nhập khẩu từ 5 nước còn lại chỉ chiếm khoảng hơn 5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
(ii) Việc cắt giảm thuế quan trong TPP cũng như trong các FTA sẽ khiến cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước đối tác tăng lên và do đó số thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu cũng tăng theo. Hơn nữa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm cũng tác động tích cực đến nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Toàn văn Hiệp định TPP;
2. Website Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
3. Nguyễn Đức Thành (2015), Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015;
4. Toàn văn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu;
5. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016.