Tỉnh Bình Thuận:
Hơn 1.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg
Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 1.400 tàu cá đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa, tổng số tiền đã chi hỗ trợ ngư dân là 1.547,2 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 8.917 lượt tàu cá/21.339 chuyến biển với số tiền hỗ trợ là 1.481,2 tỷ đồng; hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu 4.258 lượt tàu/31,3 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên 33.827 lượt người/7,4 tỷ đồng; hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh 806 máy/26,6 tỷ đồng.
Những năm qua, số tiền hỗ trợ thông qua chính sách là nguồn động lực to lớn giúp ngư dân phát triển năng lực sản xuất, cơ cấu lại nghề nghiệp khai thác theo hướng xa bờ và hiện đại, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời tăng cường sự hiện diện thường xuyên, liên tục của tàu cá và ngư dân ở các vùng biển xa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của nước ta tại các vùng biển; nâng cao nhận thức của ngư dân về trách nhiệm bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Tuy vậy, quá trình thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg còn những tồn tại, hạn chế như các tiêu chí, điều kiện để tàu cá tham gia Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg chưa theo kịp những quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Một số quy định trong Quyết định số 48 chưa phù hợp với thực tế sản xuất; công tác thẩm định hỗ trợ ngư dân còn chậm và có hiện tượng ngư dân gian lận, trục lợi chính sách.
Nhằm tiếp tục “Thúc đẩy nghề khai thác hải sản phát triển, nâng cao đời sống ngư dân, duy trì sự hiện diện của tàu cá trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển” theo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, UBND Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chính quyền địa phương có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo 48 và 67 tỉnh nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, tiếp tục khuyến khích, động viên ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo mô hình tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất trên biển để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế rủi ro khi hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác trên biển. Giao Sở NN&PTNT - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 48 và 67 tỉnh rà soát, kiện toàn Tổ thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ của ngư dân theo Quyết định số 48 (Tổ thẩm định hồ sơ 48), hoàn chỉnh Quy chế hoạt động của Tổ thẩm định hồ sơ 48, hoàn thành xong trước ngày 15/11/2023.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chấp pháp trên biển, sử dụng hệ thống thông tin giám sát tàu cá (thiết bị VX 1700, VMS) để xác minh, đối chiếu thông tin nhằm bảo đảm hồ sơ được thẩm định chính xác, chặt chẽ và đúng quy định.
Quá trình thẩm định hồ sơ, nếu phát hiện tàu cá vi phạm khai thác IUU và hành vi gian dối trục lợi chính sách phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bình Thuậnđưa ra khỏi danh sách phê duyệt tàu cá đăng ký hoạt động trên các vùng biển xa và tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật.