Việt Nam thu hút hơn 18,7 tỷ USD vốn FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/9, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, dù vốn FDI đăng ký mới trong 9 tháng qua có giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên nếu tính cả số vốn đầu tư điều chỉnh và phần góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính đến 20/9/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư mới thu hút đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với số vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.
Xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới chiếm 41,8%, số lượt góp vốn mua cổ phần chiếm 66,6%; trong khi đó, TP. Hà Nội đứng thứ nhất về số lượt dự án điều chỉnh vốn chiếm 18,4%...
Cũng trong khoảng thời gian này, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singgapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,75 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam (giảm 24,3% so với cùng kỳ 2021); Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,8 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư (giảm 2,38% so với cùng kỳ); Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư...
Về kim ngạch xuất - nhập khẩu, xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng trong 9 tháng qua với mức tăng khá ấn tượng. Kết quả xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt trên 210,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Bên cạnh đó, nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 181,78 tỷ USD, tăng 13,8 % so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, khu vực FDI xuất siêu trên 29 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 27,3 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 23,3 tỷ USD.
Lũy kế đến ngày 20/9/2022, Việt Nam có 35.725 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 431,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đạt 267 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đang có sự lựa chọn dự án thận trọng hơn nhằm thu hút những dự án có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động và mang lại giá trị gia tăng cao; đồng thời hạn chế những dự án dùng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực.
Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
Mới đây, ngày 2/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, theo đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động vào cuộc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng, minh bạch; Đảm bảo môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện.
Cùng với đó, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới; bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, với nền tảng vĩ mô ổn định cùng các quyết sách, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẽ mang đến lợi thế giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI trong các tháng cuối năm và các năm tiếp theo.