Tỉnh Bạc Liêu:
Thu hút các doanh nghiệp FDI - Tăng nguồn lực cho nền kinh tế
Tỉnh Bạc Liêu có khoảng 20 doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông - thủy sản xuất khẩu. Trong khi đó, bài học kinh nghiệm và thành công từ các tỉnh, thành phố khác cho thấy, doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, tập toàn lớn đầu tư xây dựng các khu chế xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, vi tính, công nghệ thông tin…
Không ngừng tăng trưởng
Điểm lại một vài con số về tăng trưởng kinh tế trong những năm qua cho thấy, Bạc Liêu luôn phát triển với tốc độ khá nhanh. Tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2018 - 2020 đạt 7,6%/năm. Riêng từ năm 2021 đến nay, tuy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn đạt trên 5% và đứng ở vị trí đầu bảng của khu vực ĐBSCL và xếp thứ 30 so với cả nước. Phát huy kết quả này, năm 2022 Bạc Liêu phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế từ 9 - 10%.
Một trong những giải pháp quan trọng giúp Bạc Liêu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế và vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 chính là tập trung làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Trong đó, có những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng được quan tâm chỉ đạo và khai thác tốt. Cụ thể năm 2021, đã có 7 dự án điện gió, với công suất 370MW được hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng số nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh lên 8 dự án, với tổng công suất trên 469MW và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế năm 2021 với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 31.866,82 tỷ đồng và tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế phát triển đã góp phần tích cực vào tăng thu ngân sách và tăng từ 3.104 tỷ đồng năm 2018 lên 3.443 tỷ đồng năm 2020. Riêng 8 tháng năm 2022 này, thu ngân sách đạt trên 2.927 tỷ đồng, đạt 89,73% dự toán và tăng 8,09% so cùng kỳ.
Bổ sung nguồn lực
Trong 8 tháng năm 2022, Bạc Liêu có 9 dự án có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, có 8 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.312 tỷ đồng và 1 dự án có đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 18 triệu USD. Đặc biệt, việc phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chưa hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Cùng thời điểm, có 239 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.585 tỷ đồng, giảm 73,7% về số vốn đăng ký. Đáng quan tâm là có đến 17 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 13 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Do vậy, từ nay đến cuối năm cần tập trung nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm doanh nghiệp giải thể và khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới.
Một vấn đề đáng quan tâm là ngoài phát triển các doanh nghiệp địa phương, cần có ngay các giải pháp đẩy mạnh và thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp FDI. Vì từ 3 năm trở lại đây, việc thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bạc Liêu không nhiều. Ngoài dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, thì khó thu hút thêm các dự án FDI khác.
Đến nay, cả tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp FDI, với tổng vốn đầu tư bình quân vài chục triệu USD/doanh nghiệp và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến hàng nông - thủy sản xuất khẩu.
Trong khi đó, bài học kinh nghiệm và thành công từ các tỉnh, thành phố khác cho thấy, doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, tập toàn lớn đầu tư hàng trăm triệu USD đến cả tỷ USD trong xây dựng các khu chế xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, vi tính, công nghệ thông tin… Vì vậy, Bạc Liêu cần có chiến lược trong thu hút các doanh nghiệp FDI khi tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối năm nay.