Đảm bảo phân cấp triệt để, chủ động trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia
Nhất trí với các nhóm chính sách cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đảm bảo phân cấp triệt để, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai các chương trình.
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chiều ngày 16/1, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao đề xuất của Chính phủ, nhất trí với 8 nhóm chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Liên quan đến cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề xuất chọn phương án thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 và nên thí điểm 1-2 năm giai đoạn này để làm cơ sở cho xây dựng nghị quyết của giai đoạn 2026-2030.
Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai nêu thực tế, hiện nay, việc triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4, tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan có liên quan sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa bày tỏ thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên. Trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
Đại biểu cũng băn khoăn về những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu cho rằng, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho Hội đồng nhân dân địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp. Việc này sẽ giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đại biểu, nên xem xét giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó, giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025.
Theo đại biểu, phương án trên sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm thống nhất về mục tiêu chung của địa phương.
"Việc quy định HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương", Đại biểu Luận nêu.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, trước thực trạng nguồn cấp điện cho huyện Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch du lịch gần như không đáp ứng trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư. Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thống nhất thông qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia rất kỹ lưỡng, cơ bản đủ căn cứ để đầu tư điện gió, điện mặt trời.
Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và đảm bảo quốc phòng an ninh.