Hơn 50% dư nợ là tín dụng trung dài hạn, đang gây rủi ro rất lớn với hệ thống ngân hàng
Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khi cho rằng sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập.
Tại Phiên hiến kế về Tài chính - Tín dụng, khơi thông dòng vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế xã hội nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Theo đó, tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng từ mức 21,6% năm 2016 lên mức 24,8% trong năm 2018 và mức 25,2% tháng 3/2019.... Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý; qua đó khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh.
Hệ thống TCTD đã thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, chuyển hóa các nguồn vốn huy động nhỏ, lẻ, ngắn hạn thành các nguồn vốn cho vay trung, dài hạn đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập.
"Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ)", ông nói.
Ngân hàng hàng nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán..."
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Phó Thống đốc nhấn mạnh, thực trạng nói trên đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.
Vị lãnh dạo NHNN cũng cho biết, trong thời gian tới, về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, Ngân hàng hàng nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán...
Được biết, năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP là hơn 130%. Trong khi đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu chỉ tương đương 71,6% GDP; tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP.