Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là rào cản về chính sách tín dụng. Để phát triển bền vững ngành Nông nghiệp, yêu cầu đặt ra là phải cơ cấu lại, đẩy mạnh sản xuất theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vai trò của chính sách tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”... Thực hiện các chính sách này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể: (i) Áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp, nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung); (ii) Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trước đây là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015) với nhiều cơ chế đặc thù về tài sản thế chấp, lãi suất cho vay, xử lý nợ...; (iii) Tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn như các chính sách về tạm trữ lúa gạo, tái canh cà phê; cho vay khai thác hải sản xa bờ...
Những chính sách trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) tính đến hết năm 2016 đạt khoảng 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế (tương ứng với đóng góp của ngành Nông nghiệp trong GDP) với hàng triệu khách hàng (hộ nông dân và doanh nghiệp) được tiếp cận. Bình quân trong 5 năm (2010 - 2016), tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 17,4%/năm (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả hệ thống ngân hàng là 13,39%). Lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 12%/năm vào năm 2013 và lãi suất cho vay hiện nay đối với khu vực này phổ biến ở mức từ 6,5% - 8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường.
Nếu như trước đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai, thì đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều quan tâm triển khai cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Một số ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược hướng về cho vay nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai cho vay như: Agribank, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Bắc Á (có tỷ trọng chiếm trên 70% dư nợ); Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (có tỷ trọng chiếm trên 40%)...
Sau 5 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả bước đầu (nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 50% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015). Dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 6/2016 đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015. Đáng chú ý, nhiều hộ dân và các đối tượng khách hàng ở nông thôn đã được tiếp cận vốn tín dụng để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Nhận thức được vai trò quan trọng của doanh nghiệp (DN) trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách tiêu biểu có thể kể tới như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013, trong đó bao gồm các khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, phát triển thị trường...
Sau 5 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả bước đầu (nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 50% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015). Dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 6/2016 đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.
Thời gian qua, nhiều DN lớn đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo quy mô lớn, làm đầu mối trong việc hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và cam kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hàng ngàn hộ nông dân sản xuất riêng lẻ như: Vinamilk, FLC, Vingroup, TH True milk...
Về lĩnh vực tín dụng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có một số quy định quan trọng hỗ trợ quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp như: (i) Các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70% - 80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; (ii) Trường hợp các DN đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét khoanh nợ, xóa nợ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn 28 DN tại 22 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay thí điểm 31 dự án tham gia chương trình nhằm phát triển các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các DN khi tham gia chương trình được hưởng nhiều cơ chế cho vay đặc thù như: (i) Lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% - 1,5%/năm; (ii) Mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; (iii) Những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm có thời gian vay trên 12 tháng (nhưng không quá 18 tháng), mỗi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều dưới 12 tháng và khách hàng cam kết trả một phần nợ sau mỗi khâu của chuỗi thì ngân hàng thương mại xem xét áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng; (iv) Ngân hàng có thể xem xét cho vay không tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền.
Sau 2 năm triển khai chương trình cho vay thí điểm tại Nghị quyết số 14/NQ-CP đã đạt được những kết quả tích cực. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho 22 DN vay để triển khai đầu tư 22/31 dự án sản xuất nông nghiệp, với số tiền đạt 7.333,73 tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương như: Mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang; mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (tỉnh An Giang); mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp)...
Những khó khăn, thách thức
Mặc dù, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong quá trình triển khai chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc sau:
Một là, sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ; việc tích tụ ruộng đất còn nhiều hạn chế. Điều này cản trở đến việc hình thành các mô hình liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Hai là, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều khó khăn; tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ba là, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng.
Bốn là, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, hợp tác xã và DN. Khu vực kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các hợp tác xã, hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế và thiếu phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Năm là, vai trò của các hợp tác xã, DN tại địa phương trong việc phát triển kinh tế còn hạn chế, tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ, chưa có nhiều mô hình sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả, dẫn đến các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của khách hàng, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư của các tổ chức tín dụng.
Sáu là, việc cho vay các dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, do chưa có nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, số lượng các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới cấp giấy chứng nhận cho hơn 20 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc.
Bảy là, tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi...) có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Đề xuất một số giải pháp
Để khắc phục những hạn chế trên, cần định hướng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng sau:
Thứ nhất, tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư phục vụ cho phát triển của khu vực này. Đầu tư cho vay cần hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất trong thời gian tới; Xác định DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là đối tượng khách hàng quan trọng trong chính sách tín dụng của các ngân hàng.
Thứ ba, tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó kết hợp giữa chính sách tín dụng thương mại để phát triển nâng cao đời sống của người dân với cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, đặc biệt là DN phù hợp với từng đối tượng khách hàng và sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân, DN ở nông thôn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của tổ chức tín dụng về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lợi ích của cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2015), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 899/QĐ-TTg của phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1600/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
4. Ngân hàng Nhà nước (2016), Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp;
5. Phan Thị Thanh Tâm (2015), Chính sách tín dụng mới phát triển nông nghiệp, nông thôn, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2016.