Hơn 96% kế hoạch vốn đầu tư công đã được phân bổ
Theo báo cáo ngày 26/4/2025 của Bộ Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 3 tháng, ước 4 tháng đầu năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công Chính phủ giao năm 2025 đã được phân bổ 96,63%.

Tính đến ngày 26/4/2025, tổng số vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước đã phân bổ là 869751,5 tỷ đồng.
Nếu không tính số kế hoạch vốn ngân sách địa phương (NSĐP) các địa phương giao tăng, tổng số vốn đã phân bổ là 798.060,46 tỷ đồng/825.922,3 tỷ đồng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương (NSTW) đã phân bổ là 340.229,1 tỷ đồng (riêng nguồn vốn NSTW đã phân bổ chi tiết tính đến ngày 15/3/2023 là 324.416 tỷ đồng), vốn NSĐP đã phân bổ là 529.522,4 tỷ đồng. Từ sau ngày 15/03 đến thời điểm báo cáo, đã phân bổ thêm 15.768 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Trong quá trình phân bổ vốn, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí 146.512,5 tỷ đồng tiền vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển và các dự án trọng điểm khác.
Như vậy đến thời điểm báo cáo, vẫn còn 19/47 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn NSĐP chưa được phân bổ là 27.861,8 tỷ đồng (chiếm 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao); nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ là 309,6 tỷ đồng; nguồn vốn NSĐP chưa phân bổ là 17.895,9 tỷ đồng
Lý giải về việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra rằng: Hiện còn 9.965,9 tỷ đồng/350.195 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao chưa được phân bổ (tương đương 2,85% kế hoạch) do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do nhiều dự án khởi công mới chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn. Một số dự án mới được Thủ tướng Chính phủ giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoặc dự án đang được trình cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, một trong số các nguyên nhân chậm phân bổ phải kể đến là các dự án ODA chậm ký kết hoặc trong thời gian chờ gia hạn Hiệp định vay nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn hoặc những dự án đã hoàn thiện thủ tục nhưng còn phải điều chỉnh do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; dự án chuyển giao cơ quan chủ quản từ trung ương về địa phương theo quy định mới về phân cấp quản lý. Chưa kể, còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị trả vốn do không có nhu cầu sử dụng hoặc gặp khó khăn vướng mắc không có khả năng triển khai trong năm 2025.
Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2025, Chính phủ đã nêu rõ: “Đến hết ngày 15/3/2025 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2025 thì Chính phủ cương quyết thu hồi vốn NSTW chưa phân bổ hết để bố trí cho các dự án đã được duyệt đang thi công mà thiếu vốn”.
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm liên quan tới công tác phân bổ vốn. Cụ thể, với số vốn đã phân bổ, kiến nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đối với số vốn NSTW chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025, Bộ Tài chính dã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án xử lý, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch vốn NSTW năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư NSTW năm 2025 theo quy định.
Còn đối với các dự án ODA, Bộ đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án; phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp phát sinh vướng mắc. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu NSĐP, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn./.