Hồng Kông có tầm quan trọng với Trung Quốc lớn đến mức độ nào?
Một trong những yếu tố tách rời Hồng Kông khỏi phần còn lại của Trung Quốc chính là bởi vị thế nền kinh tế tự do và cởi mở của Hồng Kông.
Động thái của Bắc Kinh trong việc áp luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông, đặc khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, thêm một lần nữa đã làm dấy lên những lo lắng về khả năng quyền tự trị của thành phố này bị “thỏa hiệp”.
Theo Bloomberg, trước đây, Hồng Kông từng là thuộc địa cũ của Anh, sau này được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997. Hồng Kông được quản lý theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Khung chính sách quản lý này cho phép thành phố có được một số quyền tự do mà Trung Quốc đại lục không có được, ví như Hồng Kông có thêm quyền tự quyết, có quyền bầu cử hạn chế, có đồng tiền riêng và hệ thống tư pháp độc lập.
Quyền tự trị với Trung Quốc đại lục củng cố cho vị thế của Hồng Kông trong vai trò trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu. Đây cũng chính là lý do tại sao theo luật, nước Mỹ đối xử với Hồng Kông, trái ngược hoàn toàn với các thành phố khác tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ chế ứng xử đặc biệt mà Mỹ dành cho Hồng Kông hiện giờ đang chịu nhiều áp lực.
Dù vậy, Hồng Kông vẫn là cửa ngõ quan trọng giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Điều này sẽ vẫn duy trì như vậy trong một khoảng thời gian nữa dù rằng đóng góp của Hồng Kông vào kinh tế Trung Quốc nói chung đã giảm đi qua thời gian.
Cựu trưởng lãnh sự của Mỹ phụ trách Hồng Kông và Macao, ông Kurt Tong, nói: “Tôi nghĩ rằng mô hình Hồng Kông sẽ khó có thể tái hiện lại tại ở bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc. Và thực lòng, tôi nghĩ rằng vẫn nên tiếp tục duy trì nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.”
Dưới đây là một số những biểu đồ cho thấy tầm quan trọng của Hồng Kông với Trung Quốc
Một trong những yếu tố tách rời Hồng Kông khỏi phần còn lại của Trung Quốc chính là bởi vị thế nền kinh tế tự do và cởi mở của Hồng Kông. Với vị thế này, Hồng Kông đã có thể hút được tiền đầu từ từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới hiệu quả hơn so với các thành phố thuộc Trung Quốc đại lục vốn chịu nhiều ràng buộc về kiểm soát vốn.
Kết quả, ngày một nhiều công ty Trung Quốc đang tận dụng Hồng Kông để huy động vốn từ nhà đầu tư toàn cầu. Điều này giúp cho Hồng Kông trở thành thị trường IPO quan trọng nhất thế giới trong suốt 7/11 năm gần đây nhất trong đó có cả năm 2019 khi mà Hồng Kông gặp khó với phong trào biểu tình lan rộng, đã có lúc biểu tình biến thành bạo động.
Các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hồng Kông bao gồm “đại gia” công nghệ Alibaba và JD.com
Không chỉ vậy, Hồng Kông đang trở thành cửa ngõ để nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các công ty nước ngoài, theo phân tích của giám đốc điều hành sàn chứng khoán Hồng Kông, ông Charles Li. Điều này rất đặc biệt bởi các công ty nước ngoài có thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư Trung Quốc đại lục thông qua việc niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông, ông nói thêm.
Sàn chứng khoán Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến kết nối thông qua một chương trình gọi là kết nối sàn. Nhà đầu tư có thể giao dịch thông qua sàn chứng khoán sở tại của họ một số loại chứng khoán trong nhóm sàn thành viên.
Đồng nhân dân tệ trong tham vọng được chấp nhận toàn cầu
Vị thế trung tâm tài chính và kinh doanh của Hồng Kông đã giúp Trung Quốc đẩy mạnh được phổ biến đồng nhân dân tệ ra thế giới.
Hồng Kông là một trong số những nơi hiếm hoi mà đồng nhân dân tệ được giao dịch bên ngoài Trung Quốc đại lục. Bản thân Hồng Kông cũng có đồng tiền riêng của mình.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức tài chính hỗ trợ cho Ngân hàng Trung ương khắp thế giới, Hồng Kông là thị trường giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới trong đó có đồng nhân dân tệ. Điều này giúp cho thành phố có lợi thế hơn so với các trung tâm tài chính lớn khác của thế giới ví như Singapore hay London. Hồng Kông thu hút được những nhà đầu tư muốn giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Khối lượng giao dịch tiền tệ tại Hồng Kông tăng 39,6% lên 77,1 tỷ USD trong tháng 4/2016 lên 107,6 tỷ USD vào tháng 4/2019, theo số liệu của BIS. BIS công bố số liệu này 3 năm 1 lần
Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài
Vai trò trung gian của Hồng Kông, kết nối giữa Trung Quốc và thế giới không dừng lại ở đây.
Khi mà các công ty Trung Quốc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, phần lớn lượng tiền đó được chuyển qua Hồng Kông nhằm tận dụng lợi thế của môi trường pháp lý Hồng Kông cũng như dịch vụ chuyên nghiệp, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Báo cáo của viện Peterson nhấn mạnh lượng đầu tư lớn của Trung Quốc không được giữ lại ở Hồng Kông, sau đó nó được chuyển về Trung Quốc như lợi nhuận, hoặc được chuyển đến phần còn lại của thế giới.
Đến năm 2018, Hồng Kông chiếm 55,5% trong tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, theo Cục thống kê Trung Quốc. Dù rằng tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với cách đây 1 thập kỷ, tỷ lệ đầu tư đã tăng qua các năm.
Điều phối thương mại
Việc Trung Quốc mở cửa thương mại và việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã làm giảm đi vai trò của Hồng Kông trong điều phối hoạt động thương mại giữa Trung Quốc đại lục và thế giới.
Vai trò đó tuy nhiên lại lớn hơn trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đó là khi mà cả hai bên đều đẩy mạnh áp thuế với sản phẩm của nhau. Điều này có được là bởi nguyên tắc kinh doanh ban đầu, theo đó Mỹ áp thuế với hàng nhập khẩu dựa theo nguồn gốc, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc đại lục tại ngân hàng ING của Hà Lan, bà Iris Pang.
Theo nguyên tắc này, hàng xuất khẩu sang Mỹ mà có đi qua một địa điểm khác sẽ chịu mức thuế dựa trên giá giao dịch ban đầu. Ví dụ, nếu một công ty xuất khẩu Trung Quốc bán hàng sang một công ty khác ở giá thấp, sau đó nếu công ty này bán hàng với giá cao hơn cho một nhà nhập khẩu Mỹ, thuế sẽ được tính trên giao dịch ban đầu.
Năm 2018, khi chiến tranh thương mại nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh, khoảng 8% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và khoảng 6% hàng nhập khẩu vào Trung Quốc từ Mỹ được chuyển qua Hồng Kông.