Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp nào?

Ngọc Ánh

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Quốc hội ban hành, có 11 trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp: Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm; Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm; Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo; Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng là những trường hợp vô hiệu hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm còn vô hiệu nếu hợp đồng được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được; Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định; Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép; Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định.

Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.