Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư
Theo dự kiến, sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu chính phủ (TPCP) với tài sản cơ sở là TPCP kỳ hạn 5 năm sẽ chính thức được đưa vào giao dịch từ quý III/2018, đáp ứng sự mong đợi của đông đảo các nhà đầu tư và kinh doanh trái phiếu. Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) kiêm Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, sản phẩm HĐTL TPCP khi được đưa vào giao dịch trên thị trường sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường TPCP nói riêng?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam |
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trong 5 năm qua, thị trường TPCP đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về quy mô, trung bình đạt hơn 30%/năm. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Hà Nội, tổng danh mục TPCP được niêm yết trên toàn thị trường ước tính đã lên đến trên 850 nghìn tỷ đồng (chưa kể TPCP bảo lãnh) và chủ yếu do các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ.
Tuy nhiên, toàn bộ TPCP phát hành bằng đồng nội tệ hiện nay đều có cấu trúc lãi suất cố định trong khi nghiệp vụ vay TPCP để bán chưa thực hiện được nên tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư nếu lãi suất đảo chiều theo xu hướng đi lên (giá trị của trái phiếu giảm). Trong khi đó, trên thị trường hiện chưa có một công cụ nào có thể giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro lãi suất một cách hiệu quả.
Vì vậy, sản phẩm HĐTL TPCP ra đời sẽ có ý nghĩa rất lớn khi tạo ra công cụ để hỗ trợ đắc lực cho các nhà đầu tư trái phiếu trong việc quản lý rủi ro cho danh mục đầu tư. Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có khẩu vị rủi ro khắt khe, thị trường HĐTL TPCP ra đời sẽ đáp ứng được một trong những điều kiện cốt yếu nhất để nhóm này tham gia sâu hơn vào thị trường TPCP cơ sở.
Thêm vào đó, với đặc tính có tỷ lệ đòn bẩy cao, giao dịch thuận tiện trên thị trường niêm yết tập trung, HĐTL TPCP là cánh cửa mở cho đông đảo công chúng đầu tư tiếp cận với thị trường trái phiếu, vốn đang chỉ là sân chơi riêng của các định chế tài chính lớn.
Điều này sẽ giúp cho nền tảng nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu được đa dạng hóa một cách gián tiếp, khắc phục phần nào điểm yếu của thị trường trái phiếu hiện nay khi thị phần quá tập trung vào một nhóm nhà đầu tư là các NHTM.
Theo ông, tiềm năng phát triển của HĐTL TPCP trong tương lai sẽ như thế nào và việc sản phẩm này được đưa vào thị trường sẽ đem lại những kỳ vọng gì?
Không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường TPCP cơ sở, xa hơn nữa, HĐTL TPCP có thể được sử dụng như một công cụ phòng vệ rủi ro cho các sản phẩm lãi suất có sự tương quan nhất định với lãi suất TPCP, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp, các khoản tiền gửi, khoản vay… Nhờ đó, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có bước phát triển về chiều sâu, tạo điều kiện cho các sản phẩm tài chính phái sinh đa dạng khác ra đời, thay vì chỉ có những sản phẩm giản đơn.
Nhìn từ thực tế về sự phát triển vượt bậc của sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 trong thời gian qua (thanh khoản tăng gần 10 lần so với tháng đầu tiên, giá trị giao dịch danh nghĩa gần bằng thị trường chứng khoán cơ sở), có thể thấy việc vận hành TTCKPS là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của các cơ quan quản lý. Tiếp nối thành công này, thị trường HĐTL TPCP cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và có bước phát triển vượt bậc tương tự.
Ông có những đề xuất hay kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý để sản phẩm này khi đưa ra thị trường sẽ đạt được kỳ vọng như mong muốn?
Kinh nghiệm từ những thị trường phát triển cho thấy chứng khoán phái sinh nói chung và HĐTL TPCP nói riêng mặc dù là động lực mạnh mẽ để phát triển thị trường tài chính hiện đại, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định nếu không được quản lý, điều hành phù hợp với điều kiện thực tiễn của thị trường.
Do đó, để thị trường vừa có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngay từ khi mới ra đời, đồng thời vẫn bảo đảm vận hành an toàn và thông suốt, các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp chủ động, đồng bộ, nhất quán, kịp thời trong việc ban hành đầy đủ các chính sách quản lý chung cũng như các chính sách đặc thù cho từng đối tượng tham gia thị trường (về sản phẩm, kỹ thuật hạ tầng giao dịch, thuế, kế toán, giấy phép…), tính toán và điều tiết thị trường nhanh nhạy, linh hoạt, hợp lý, kết hợp với các chính sách khuyến khích nhà đầu tư. Cụ thể, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông sản phẩm đến công chúng đầu tư, điều này rất quan trọng do bản thân tài sản cơ sở là TPCP hiện nay cũng chưa nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Khi nhà đầu tư có sự hiểu biết về tài sản cơ sở, họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc tham gia vào thị trường HĐTL TPCP.
Thứ hai, tăng cường cơ chế bảo đảm thanh toán cho Trung tâm thanh toán bù trừ HĐTL TPCP bằng sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cuối cùng để bảo đảm khả năng thanh toán trong mọi trường hợp.
Thứ ba, có chính sách ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, thúc đẩy thanh khoản thị trường trong giai đoạn đầu vận hành, đặc biệt là đối với các nhà tạo lập thị trường và các nhà đầu tư.
Thứ tư, ban hành trong thời gian sớm nhất hướng dẫn hạch toán kế toán đối với sản phẩm HĐTL TPCP, nội dung mẫu HĐTL TPCP và các thông tin cần thiết khác để các thành viên thị trường hoàn thiện các công việc chuẩn bị triển khai.
Thứ năm, tính toán và xác định tỷ lệ ký quỹ, biên độ giá, giới hạn vị thế hợp lý dựa trên dữ liệu lịch sử từ thị trường tài sản cơ sở, bảo đảm đủ để hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời vẫn hạn chế được tình trạng đầu cơ quá mức trên thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!