Hợp tác quốc tế: Mấu chốt ngăn chặn rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán

Hà Anh

Chứng khoán là một lĩnh vực dễ bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền thông qua các giao dịch bất chính. Do vậy, nhận diện các hành vi rửa tiền xuyên biên giới trong lĩnh vực chứng khoán chỉ có thể thực hiện được bằng việc quan sát quá trình tội phạm rửa tiền có thể can thiệp để tạo ra công cụ rửa tiền xuyên biên giới. Muốn ngăn chặn được hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán Việt Nam cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đưa ra các giải pháp đồng bộ.

Rất khó để phát hiện hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.
Rất khó để phát hiện hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.

5 thủ đoạn rửa tiền cần biết trong lĩnh vực chứng khoán

Rửa tiền là một loại tội phạm rất tinh vi, sáng tạo, chủ yếu được thực hiện qua hình thức giao dịch xuyên biên giới để dễ dàng che dấu nguồn gốc của tiền. Thủ đoạn rửa tiền của loại tội phạm này cũng khác nhau do đặc điểm riêng của thị trường tài chính mỗi nước; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền cũng khác nhau…

Không giống với các lĩnh vực khác, chứng khoán là một lĩnh vực vô cùng phức tạp tại bất kỳ quốc gia nào, do đó, tội phạm rửa tiền xuyên biên giới không chỉ nhắm đến thị trường chứng khoán như là phương tiện để rửa tiền, mà còn tạo ra những tài sản bất chính.

Cho nên, nhận diện dấu hiệu của hành vi rửa tiền xuyên biên giới trong lĩnh vực này chỉ có thể thực hiện được bằng việc quan sát quá trình tội phạm rửa tiền có thể can thiệp để tạo ra công cụ rửa tiền xuyên biên giới. Những công cụ chủ yếu được tội phạm rửa tiền trên thị trường chứng khoán (TTCK) sử dụng, cụ thể là:

Thứ nhất, sử dụng chứng khoán vô danh (chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của tổ chức phát hành), thay vào đó bất cứ ai nắm giữ chứng khoán vô danh cũng đều có thể trở thành chủ sở hữu hưởng lợi của nó. Các chứng khoán vô danh thường là đích ngắm của hành vi rửa tiền qua TTCK, vì đặc trưng về tính sở hữu vật lý của chúng cho phép che dấu danh tính người sở hữu hưởng lợi.

Thứ hai, thành lập các công ty “ma” với mục đích không phải để kinh doanh mà để tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục hành chính, thuế, lợi dụng các kẽ hở về pháp luật đối với việc sở hữu tài sản và đăng ký các tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp, tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền. Dấu hiệu có thể thấy là hành vi cấu kết với nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để thực hiện “chuyển giá”, đánh chìm giá trị tài sản trong nước để trốn thuế hoặc mua thâu tóm.

Thứ ba, rửa tiền thông qua các quỹ tín thác, các tài khoản mượn danh và tài khoản đa mục đích hoặc sử dụng các công ty vỏ bọc được thành lập một cách hợp pháp làm lá chắn cho các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chuyển giao tài sản phức tạp, thông qua đó đưa tiền có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính của một nước. Đặc biệt, việc sử dụng các quỹ đầu tư có “hộ chiếu” của một nước được coi là “thiên đường thuế”, nơi mà những quy định về lập quỹ, về nguồn gốc của tiền đầu tư không được chặt chẽ, để đầu tư vào các TTCK mới nổi là thủ đoạn mà tội phạm rửa tiền xuyên biên giới có thể thực hiện.

Thứ tư, sử dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh, hoặc các giao dịch tài chính phức tạp khác. Do tính chất phức tạp trong giao dịch, các sản phẩm này thường được sử dụng để che dấu nguồn gốc của dòng tiền một cách đắc lực.

Thứ năm, kinh doanh các cổ phiếu có tính thanh khoản thấp hoặc gần như không có giao dịch. Các bên tham gia giao dịch đồng ý mua/bán chứng khoán có tính thanh khoản thấp với một mức giá thấp giả tạo, sau đó người bán ban đầu hoặc người cùng cộng tác sẽ mua lại chứng khoán đó với mức giá cao hơn đáng kể so với mức giá ban đầu.

Giải pháp ngăn chặn rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán

Để phòng chống rửa tiền hiệu quả trong lĩnh vực chứng khoán, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý. Để khung pháp lý về TTCK có hiệu quả và hỗ trợ tốt cho hoạt động phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn việc triển khai các quy định về phòng chống rửa tiền dành riêng cho lĩnh vực chứng khoán. Thực hiện các sổ tay, cẩm nang hướng dẫn các thành viên thị trường trong việc xây dựng quy định nội bộ và thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo hướng cụ thể hóa các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, kết hợp với việc rút kinh nghiệm từ những gì các tổ chức tài chính tại các thị trường đã phát triển trên thế giới đang làm.

Thứ hai, cần tăng cường giám sát tuân thủ và kiểm tra. Yêu cầu các tổ chức báo cáo phải xây dựng quy trình nội bộ, cử cán bộ chuyên trách và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Thực hiện phân loại, sắp xếp và theo dõi mức độ tuân thủ về phòng chống rửa tiền của các tổ chức báo cáo, coi đây là tiêu chí đánh giá hoạt động của các tổ chức báo cáo bên cạnh các tiêu chí về hiệu quả hoạt động kinh doanh và đầu tư khác.

Xây dựng quy trình nội bộ trong cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền, trong đó quy định rõ cách thức xử lý thông tin báo cáo và quy trình xử lý đối với các giao dịch đáng ngờ hoặc giao dịch tiền mặt có giá trị lớn được báo cáo. Phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các đơn vị trong cơ quan để đảm bảo việc tổ chức thực hiện phòng chống rửa tiền được làm thường xuyên, liên tục.

Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra từ xa và trực tiếp đối với các tổ chức báo cáo nhằm tăng cường hiệu quả công tác giám sát và quản lý. Nâng cao chất lượng giám sát thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin cho đơn vị giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đảm bảo hoạt động giám sát có chất lượng.

Thứ ba, cần tăng cường đào tạo cơ bản và nâng cao cho cán bộ giám sát, nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền.

Thứ tư, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTCK để chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý các nước. Hành vi rửa tiền trên thực tế thường được thực hiện xuyên biên giới nhằm che dấu nguồn gốc bất chính của đồng tiền. Do đó, phòng chống rửa tiền đòi hỏi nỗ lực và sự phối hợp của cơ quan quản lý các nước, chứ không thể thực hiện được bởi duy nhất một cơ quan./.