HoREA: Tính thuế với đất, nhà ở là cần thiết
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Luật Thuế tài sản được áp dụng ở đa số các nước trên thế giới, là nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Do vậy, việc xây dựng Luật Thuế tài sản trong đó có thuế đất ở, nhà ở là cần thiết.
Giá tính thuế và mức thuế suất hợp lý
Ông Châu phân tích, tại Việt Nam hiện nay chưa thu thuế nhà ở, chỉ thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010. Mức thuế phải nộp nhìn chung là thấp vì được tính theo bảng giá đất của UBND tỉnh, thành phố với mức thuế suất 0,03% (đối với đất ở trong hạn mức); 0,07% (đối với phần diện tích không quá 03 lần hạn mức); 0,15% (đối với phần diện tích vượt trên 03 lần hạn mức).
Do vậy, cần thiết phải xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó, có thuế đất ở, nhà ở, nhất là sau năm 2020. Hơn nữa, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng, qua đó tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh.
Về giá tính thuế và thuế suất theo dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, ông Châu hoàn toàn đồng ý với việc xác định giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành vì đảm bảo được tính minh bạch. Ngay cả cách tính thuế phân biệt giá nhà mới xây dựng và giá nhà đã qua sử dụng cũng hợp lý.
Việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, ông Châu cho biết có thể chấp nhận được khi so sánh với thuế suất của nhiều nước. Ngay cả việc áp dụng mức thuế suất 1% đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng, và 2% đối với đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm để khuyến khích đưa nhà, đất vào sử dụng, tránh lãng phí, đầu cơ, nhưng cũng đảm bảo tính răn đe vi phạm pháp luật về nhà, đất, như dự thảo đề nghị là cần thiết.
Việc bãi bỏ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp khi ban hành Luật Thuế tài sản như dự thảo đã đề xuất cũng nhận được sự đồng tình của HoREA. Mặt khác, trong văn bản gửi ý kiến, ông Châu một lần nữa khẳng định “Hiệp hội hoan nghênh và tán thành Bộ Tài chính đã nêu chính kiến về việc "không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ hai trở đi" trong dự án Luật Thuế tài sản để tránh tác động tiêu cực đến thị trường nhà cho thuê”.
Nên áp dụng sau năm 2020
Theo ông Châu, ở các nước đất đai thuộc sở hữu tư nhân nên không có tiền sử dụng đất như ở Việt Nam. Trong khi, tiền sử dụng đất hiện nay không phải là một sắc thuế vì đang được quy định bởi Luật Đất đai, và là một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ chung cư; trên dưới 30% trong giá thành nhà ở thành phố; khoảng trên 50% trong giá thành biệt thự.
Do đó, HoREA kiến nghị, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản phải đi đôi với sửa đổi chính sách và cơ chế tính tiền sử dụng đất. Theo đó, phải quy định tiền sử dụng đất là một sắc thuế đánh trên hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất khoảng 10-15%, tính trên bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành, được điều chỉnh hàng năm phù hợp với giá thị trường.
Về giá tính thuế và thuế suất theo dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, HoREA kiến nghị, áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập thấp; miễn hoặc giảm 50% số thuế nhà đất đối với các vườn ươm khởi nghiệp, DN khởi nghiệp.
Cuối cùng, để phù hợp HoREA kiến nghị Bộ Tài chính ban hành Luật Thuế tài sản sau thời điểm năm 2020.