HSBC nhận định về tiềm năng đầu tư lớn của khu vực Đông Nam Á


Đông Nam Á đang ở thời kì đỉnh cao hoàng kim. Lực hấp dẫn về kinh tế sẽ chuyển dịch về Đông Nam Á. Song, hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu vẫn chưa đầu tư đúng mực vào khu vực này.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Đông Nam Á đang ở thời kì đỉnh cao hoàng kim. Lực hấp dẫn về kinh tế sẽ chuyển dịch về Đông Nam Á. Song, hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu vẫn chưa đầu tư đúng mực vào khu vực này.

Hôm nay, ông James Cheo, giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á, khối dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân toàn cầu, HSBC công bố báo cáo nhận định về các cơ hội đầu tư khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Cheo, Đông Nam Á đang ở thời kì đỉnh cao hoàng kim. Lực hấp dẫn về kinh tế sẽ chuyển dịch về Đông Nam Á. Song, hầu hết các nhà đầu tư toàn cầu vẫn chưa đầu tư đúng mực vào khu vực này. Nền kinh tế của Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể có sự khác biệt lẫn nhau, nhưng các cơ hội sẽ rất thú vị trong những năm tới.

Câu chuyện tăng trưởng của ASEAN vẫn vẹn nguyên

Trong năm 2022, ASEAN được thúc đẩy bởi bùng nổ tiêu dùng, chi tiêu đầu tư và xuất khẩu, đà phục hồi này vẫn tiếp tục, tuy nhiên, những thuận lợi này sẽ dần biến mất cùng với tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong năm 2023.

Mặt tích cực khi tăng trưởng chậm lại chính là tại khu vực này, lạm phát sẽ đạt đỉnh và nhờ vậy, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đạt đỉnh theo. Việc lãi suất đạt đỉnh cũng như sự suy yếu của đồng USD sẽ mang lại một số lợi ích cho ASEAN.

Kinh tế ASEAN phục hồi tốt vào năm ngoái ngay cả khi kinh tế Trung Quốc đóng cửa. Năm nay, việc Trung Quốc mở cửa lại sẽ tạo động lực lớn cho ASEAN.

Với sự trở lại của du khách Trung Quốc, Thái Lan là nước hưởng lợi chính từ chính sách tái mở cửa của Trung Quốc. Thái Lan là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có khả năng sẽ tăng tốc tăng trưởng vào năm 2023. HSBC dự đoán tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ đạt mức 3,8% năm 2023, tăng từ mức 3,2% năm 2022.

Indonesia là một nền kinh tế đáng chú ý khác trong năm nay. Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng sẽ mang lại lợi ích cho Indonesia nhờ nhu cầu tài nguyên khoáng sản cao hơn. Indonesia với mức tiêu thụ nội địa lớn hơn sẽ vững vàng hơn trước sự suy giảm toàn cầu. Quan trọng hơn, Indonesia đang trải qua thời kỳ phục hưng công nghiệp của riêng mình, với lượng nicken dồi dào và khả năng sản xuất đang được nâng cấp, Indonesia có thể trở thành nhà sản xuất pin xe điện quan trọng.

Nhờ lĩnh vực sản xuất tăng trưởng và xuất khẩu thuận lợi, Việt Nam là một trong những nước thu hút vốn FDI hàng đầu trong khu vực và là một câu chuyện thành công về FDI. Bằng nhiều ưu đãi thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI, cũng như năng động tham gia khoảng 15 Hiệp định tự do thương mại với nhiều quốc gia và khối kinh tế trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã đưa đất nước trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong khi Hàn Quốc muốn phát triển Việt Nam thành một trung tâm sản xuất điện thoại thông minh lớn trên toàn cầu, Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của nước này.

Phát triển kinh tế ASEAN đang đi đúng hướng. Thương mại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc đại lục đã tăng từ mức 40 tỷ USD vào hai thập niên trước lên mức 850 tỷ USD như hiện nay. Nguyên nhân đằng sau sức mạnh của khu vực này chính là vì trong hơn một thập niên qua, các nền kinh tế ASEAN đã trải qua giai đoạn tái thiết khi họ giảm nợ và tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Kết quả là, các công ty ASEAN dần phát triển những thế mạnh cơ sở vững vàng và bảng cân đối kế toán mạnh hơn để chống chịu với những bất ổn toàn cầu.

Sự trỗi dậy của Hổ ASEAN (ASEAN T-I-G-E-R)

Triển vọng tăng trưởng của ASEAN sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới, bắt nguồn từ nguyên nhân một số yếu tố chưa tốt trong những thập kỷ trước lại đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các yếu tố tăng trưởng của khu vực có thể được minh họa thông qua từ viết tắt – TIGER.

Trong đó, T là công nghệ (technology) hoặc nền kinh tế số, I đại diện cho thu nhập (income) ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu, G chính là công cuộc chuyển đổi xanh (green), E tức cơ sở hạ tầng năng lượng (energy) và R là RCEP.

T – Công nghệ hay Nền kinh tế số

Đại dịch đã đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế internet ASEAN với việc áp dụng kỹ thuật số trở thành xu hướng chính. Nền kinh tế số của khu vực được ước tính sẽ tăng đến 330 tỷ USD vào năm 2025. Điều này không phải ngẫu nhiên. ASEAN hiện nay có hơn 10 triệu nhà bán hàng trực tuyến, và doanh số thương mại điện tử đang tăng nhanh chóng, ước đạt 150 tỷ USD vào năm 2025. Các nền tảng số - sự kết hợp giữa cải tiến kỹ thuật, những mô hình kinh doanh mới và định giá – mang tới một loạt các sản phẩm và dịch vụ mới thông qua các kênh kỹ thuật số cho một lượng dân số đông đảo. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng số lượng người dùng internet – với 20 triệu người dùng mới năm 2022, đưa tổng số người dùng internet trong khu vực lên 460 triệu người. Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số đang nâng cao năng suất của nền kinh tế ASEAN và tạo tiền đề cho kỷ nguyên tăng trưởng tiếp theo.

I – Thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng

Với khoảng 680 triệu dân, ASEAN là thị trường phổ biến thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm gần 9% dân số thế giới. Khu vực này có các đặc tính nhân khẩu học thuận lợi, với lực lượng lao động tương đối trẻ và ngày càng tăng.

Những người trẻ tại ASEAN đang bước vào tuổi trưởng thành. Gần một nửa dân số dưới 30 tuổi, và lực lượng lao động khá lớn dự kiến đạt đỉnh vào năm 2045, khoảng ba thập niên sau Trung Quốc.

Lực lượng lao động trẻ, yêu công nghệ, năng suất và đang phát triển này tạo nên một lộ trình dài cho sự tăng trưởng khi khu vực tiến lên phía trước. Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu ASEAN là một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất trên thế giới, dự kiến chi tiêu tiêu dùng của nhóm này sẽ tăng gấp đôi giá trị lên 4 nghìn tỷ USD trong thập niên tiếp theo.

G – Chuyển đổi xanh

Công cuộc chuyển đổi xanh của ASEAN có thể đại diện cho hơn một nghìn tỷ USD về các cơ hội kinh tế hàng năm. Tại ASEAN, khai thác tài nguyên và sản xuất năng lượng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than đá và không hiệu quả, và những hoạt động này cần phải được hướng tới giảm phát thải carbon một cách bền vững. ASEAN đã đặt mục tiêu năng lượng tái tạo phải chiếm 23% nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp vào năm 2025.

Sẽ không thực tế khi đột ngột thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang khí tự nhiên là một mục tiêu khả thi. Sự tiến bộ của công nghệ hydro xanh có thể là một giải pháp nhưng năng lượng mặt trời và năng lượng gió có tiềm năng phát triển đáng kể, nhờ vào diện tích đất đai rộng lớn của khu vực.

Hơn nữa, những vùng đất giàu tài nguyên ở ASEAN có thể được hưởng lợi lớn từ xu thế lớn giảm phát thải carbon, bởi vì nhu cầu toàn cầu đối với nicken – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin xe điện (EV) – gia tăng. Indonesia là quốc gia hưởng lợi lớn nhờ có trữ lượng quặng nicken lớn nhất thế giới, chiếm đến một phần tư sản lượng toàn cầu.

E – Hạ tầng năng lượng

Dân số ASEAN ước tính tăng thêm 90 triệu người trong thập niên tới, điều này tạo thêm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại. Các thành phố là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, thải ra đến 75% lượng carbon, trong đó vận tải và các cao ốc thải ra nhiều nhất. Giải pháp tòa nhà thông minh có thể tiết kiệm chi phí thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tương lai của vận tải phải là phương tiện giao thông điện, phương tiện hiện chỉ chiếm có chưa tới 1% trên toàn cầu. Indonesia đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 20% xe điện trong tổng sản lượng của họ trong 5 năm tới.

Trên toàn cầu, xe điện dự kiến sẽ tăng 36% mỗi năm, đạt 245 triệu xe vào năm 2030 – gấp hơn 30 lần so với mức hiện nay. Xuất phát từ một nền tảng thấp, ASEAN được dự báo sẽ chứng kiến sự mở rộng theo cấp số nhân. Trong khu vực, xe hai và ba bánh chạy điện sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số xe điện, vì loại xe này phù hợp nhất để chuyển đổi nhanh sang xe điện.

Với những mục tiêu như vậy, sẽ có những cải tiến to lớn trong cơ sở hạ tầng xe điện. Ví dụ, Singapore đang hướng đến triển khai 60.000 điểm sạc và yêu cầu tất cả ô tô mới đăng ký phải là mẫu xe sử dụng năng lượng sạch hơn vào năm 2030, đồng thời loại bỏ dần động cơ đốt trong vào năm 2040.

R – RCEP

Việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới sẽ giúp hội nhập thương mại hơn nữa và thúc đẩy đầu tư cho khu vực. RCEP sẽ cho phép tiêu chuẩn hóa các quy định xuyên biên giới, điều này sẽ thúc đẩy hiệu quả thương mại trên toàn khu vực.

ASEAN đang có vị thế tốt về đầu tư trực tiếp nước ngoài do những cải thiện đáng kể về tạo điều kiện hỗ trợ cho kinh doanh và hồ sơ nhân khẩu học thuận lợi. Điều này đặc biệt quan trọng khi các công ty tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Nhìn về phía trước, ASEAN là khu vực có nhiều thể mạnh bổ trợ. Indonesia với tài nguyên thiên nhiên, Singapore là trung tâm tài chính quan trọng, Malaysia và Việt Nam với năng lực trong sản xuất điện tử; và ngành ô tô lớn mạnh của Thái Lan.

Đoàn kết thành một khu vực thông qua thế mạnh về hiệp định tự do thương mại, ASEAN có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu trong tương lai, một trung tâm dựa trên sức mạnh về tự động hóa, robotics và AI.

Theo Ngọc Diệp/nhipsongkinhdoanh.vn