Hungary sẽ rời khỏi EU theo kiểu Brexit?


Tuyên bố mới đây của một cựu quan chức Hungary đang dấy lên lo ngại về khả năng sẽ có thêm một cuộc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) giống như vụ Brexit.

Cựu thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary, ông Andras Simor vừa tiết lộ khả năng Hungary sẽ rời EU.
Cựu thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary, ông Andras Simor vừa tiết lộ khả năng Hungary sẽ rời EU.

Hungary mới đây đã khiến châu Âu dậy sóng với tuyên bố đe dọa sẽ rời EU. Phát biểu hôm 23/7, cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary, ông Andras Simor, cho rằng việc Hungary rời khỏi EU theo kiểu Brexit là một kịch bản khó, nhưng "có thể xảy ra”.

Chia rẽ âm ỉ 

Những rạn nứt trong EU đến từ Hungary không phải mới nảy sinh. Dù gia nhập EU từ năm 2004, cho tới nay quốc gia này vẫn chưa phát triển đến mức EU kỳ vọng. Hungary vẫn là quốc gia nhận được hỗ trợ tái cấu trúc của EU từ đó cho đến năm 2022.

Năm 2021, nước này đóng góp 1,7 tỷ euro cho ngân sách EU, trong khi nhận lại 6 tỷ euro từ ngân sách này. Hầu hết các hỗ trợ cấu trúc được dành cho tăng cường “sự gắn kết, khả năng phục hồi và các giá trị”, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho tới bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng và xã hội dân sự đáp ứng các tiêu chuẩn EU.

Sự tiến triển chậm chạp này phần nào bắt nguồn từ quan điểm không quá mặn mà của người dân Hungary với EU. Năm 2003, Hungary tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU, nhưng chỉ có 45,6% cử tri đủ điều kiện cảm thấy cần phải tham gia EU, theo các nhà quan sát.

Các cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy sự ủng hộ cao của công chúng Hungary đối với việc ở lại trong khối, nhưng gần đây tỷ lệ này đã dần sụt giảm theo Eurobarometer, với 39% hiện có thiện cảm với EU, giảm 12% so với trước đây.

Sự rạn nứt quan hệ giữa Brussels và Budapest còn lan rộng với thái độ thân Nga của Thủ tướng Hungary Orban xung quanh chiến sự Nga- Ukraine. Không chỉ bảo vệ nguồn cung dầu khí từ Moscow khỏi các lệnh trừng phạt, Hungary vào năm ngoái đã dùng quyền phủ quyết trong khối để chặn một gói viện trợ kinh tế của EU cho Ukraine.

Mới đây, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi EU giữ lại khoản trợ cấp trị giá khoảng 30 tỷ USD cho Hungary. Brussel được cho là không hài lòng với chính sách nhập cư cứng rắn của Thủ tướng Viktor Orban, cũng như hạn chế của nước này đối với tự do báo chí.

Những rạn nứt đó là nguồn cơn cho tuyên bố mới đây của ông Andras Simor, cho rằng tỉ lệ Hungary rời khỏi khối đang gia tăng, “nếu năm ngoái là 10%, thì nay khả năng đã tăng lên 20 đến 30%”.

Thực tế hay chỉ là đe dọa?

Các chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là động thái ngoại giao của Hungary nhằm gây sức ép với EU. Tuy nhiên, rời bỏ EU không phải là một vấn đề đơn giản và mang tới nhiều hậu quả cho Budapest.

Trước hết, Hungary sẽ thiệt hại không thể đo đếm về mặt kinh tế. Hiện nay, khoảng 78% hàng xuất khẩu của nước này sang các nước EU, đặc biệt là sang Đức với 28%. Khoảng 71% hàng nhập khẩu đến từ các quốc gia thành viên EU. Đó là chưa kể đến hàng chục tỉ euro viện trợ từ EU mỗi năm dành cho chính quyền của Thủ tướng Orban.

Năm 2008, khi Hungary phải đối mặt với mối đe dọa vỡ nợ dưới thời ông Ferenc Gyurcsany, EU đã ra tay hỗ trợ với gói giải cứu trị giá hơn 25 tỷ euro vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Các chuyên gia lo ngại rằng sự cứng rắn ngày càng tăng của Brussels có thể đẩy Hungary đến gần khả năng rời khối EU hơn.

Dù vẫn có khoảng 60% tỉ lệ người Hungary ủng hộ tư cách thành viên EU, nhưng con số này đang giảm dần do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và việc chặn viện trợ của EU.

"Thậm chí, EU có thể thu hồi quyền biểu quyết của Hungary. Động thái nghiêm trọng này có thể đẩy chính phủ cánh hữu của ông Orban không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi EU", chuyên gia Krisztina Koenen của Viện GIS nhận định.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn