Hướng chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong năm trọng điểm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hiện có khoảng 5.046 đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, số lượng DN đủ điều kiện về tài chính và có đề xuất chuyển thành CTCP chỉ chiếm 3,37% tổng số đơn vị rà soát. Nguyên nhân do vẫn còn tâm lý e ngại, có tư tưởng trông chờ sự bao cấp của Nhà nước…
Trước thực trạng và yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg quy định về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành CTCP của .
Hiện nay, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập được đánh giá là một trong năm trọng điểm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiên chỉ đạo về vấn đề này, các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, phân loại và đề xuất định hướng sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý; báo cáo kết quả về Bộ Tài chính trong tháng 1/2017 để tổng hợp, chuẩn bị cho phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập lần thứ nhất.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập là một vấn đề rất phức tạp, chưa có tiền lệ trong thực tiễn xây dựng văn bản, không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế.
Đối với Việt Nam, việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập có thể thực hiện được do các đơn vị này đã bước đầu thực hiện tự chủ, tiếp cận được nguyên tắc hạch toán kinh tế của DN.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tưđã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành tiêu chí, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập để sắp xếp, đổi mới.
Theo đó, bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty Nhà nước. Dự thảo này cũng quy định 13 ngành, lĩnh vực cần thiết duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước và các dịch vụ thiết yếu của người dân.