Hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt từ 6%-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt từ 8%-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt từ 5%-6%/năm; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Phấn đấu xuất nhập khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8 -9%/năm
Cụ thể, Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể xuất nhập khẩu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt từ 8% - 9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt từ 5% - 6%/năm.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân đạt từ 5% - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân đạt từ 7% - 8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt từ 4% - 5%/năm.
Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.
Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối hài hòa theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16% - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18% - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32% - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33% - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49% - 50% vào năm 2025 và 46% - 47% vào năm 2030.
Ngoài các mục tiêu trên, Chiến lược đặt mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 là nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.
Trong giai đoạn 2026-2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh..., hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài...
Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các giải pháp cụ thể như:
Một là, phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, phát triển sản xuất công nghiệp, cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới...).
Đồng thời, triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực. Phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu.
Hai là, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Xây dựng, củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các quốc gia thông qua thực thi hiệu quả cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do; đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương, chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản trên cơ sở có đi có lại; nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng...
Ba là, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng.
Bốn là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics.
Năm là, quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.
Sáu là, nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể xuất nhập khẩu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt từ 8% - 9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt từ 5% - 6%/năm.
Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân đạt từ 5% - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân đạt từ 7% - 8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân đạt từ 4% - 5%/năm.
Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.