Hài hòa hóa pháp luật về thương mại điện tử trong khu vực ASEAN và một số khuyến nghị


Từ khi thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhu cầu tiến hành hợp tác trong lĩnh vực luật pháp đã hiện hữu. Từ hợp tác pháp lý, các quốc gia trong khu vực hướng đến mục tiêu xa hơn là hài hòa hóa pháp luật, tuy nhiên, quá trình này gặp không ít thách thức. Bài viết phân tích về hài hòa hóa pháp luật của một số quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực thương mại điện tử, qua đó đưa ra khuyến nghị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vấn đề hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN

Năm 1967, ASEAN ra Tuyên bố Bangkok, trong đó nêu rõ: “Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực thông qua việc tôn trọng công lý và pháp quyền trong mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc”. Tuyên bố này cho thấy, tầm quan trọng của hợp tác pháp lý giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay của tất cả các quốc gia, sự nỗ lực hài hòa hóa pháp luật từ các quốc gia thành viên.

Hài hòa pháp luật là một quá trình để đạt được sự phù hợp trong thực tiễn bằng cách giảm bớt sự khác biệt để đạt được mức độ tương đồng giữa các hệ thống pháp luật, mặc dù cũng phải tính đến một số điểm khác biệt. Mặt khác, hài hòa pháp luật nên được hiểu là một quá trình hài hòa các quy tắc pháp luật các bên trong khuôn khổ quốc gia thông qua việc áp dụng các mô hình quy định đã được thống nhất ở cấp độ song phương, đa phương hoặc thông qua việc đơn phương tiếp nhận truyền thống pháp luật của một quốc gia khác.

Mặc dù có sự khác biệt trong hệ thống pháp luật ở khu vực ASEAN nhưng đến nay điều này không tác động tiêu cực đến sự hài hòa của pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một vấn đề khó nhưng vô cùng quan trọng trong việc hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN là tìm mẫu số chung cho lĩnh vực nhằm hài hòa hóa. Đối với các lĩnh vực gắn liền với nhân thân như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật thừa kế thì vì các lĩnh vực này liên quan thiết đến văn hóa, tôn giáo của quốc gia nên khó để hài hòa.

Luật Kinh tế quốc tế, Luật Thương mại quốc tế, Luật Hàng hải, Luật Sở hữu trí tuệ sẽ là những phương án khả thi trong việc hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia ASEAN. Những lĩnh vực này đều tồn tại các quy tắc giống nhau trong pháp luật quốc gia và có mục tiêu chung giúp cho quá trình giao thương giữa các quốc gia dễ dàng hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nghiên cứu của Candra Irawan năm 2018 chỉ ra một số thách thức đối với hài hòa hóa pháp luật của ASEAN gồm: Sự tồn tại của các lợi ích kinh tế khác nhau giữa các nước thành viên; Việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ; Sự gia tăng của cạnh tranh kinh tế và hạn chế của những cam kết; Mô hình hài hòa pháp luật của Cộng đồng kinh tế ASEAN chưa rõ ràng. Chính vì vậy, cần xác định ưu tiên trong hợp tác pháp lý giữa các nước ASEAN cùng với việc hài hòa hóa pháp luật. Cách tiếp cận này hướng tới các luật chuyên ngành như: Luật thương mại Quốc tế, Luật đầu tư quốc tế, Luật hợp đồng, Luật cạnh tranh, Luật lao động, Luật thương mại điện tử...

Hài hòa pháp luật về thương mại điện tử tại ASEAN

Tại ASEAN, quá trình hài hòa bắt đầu cách đây hơn 20 năm nhằm hội nhập kinh tế khu vực thông qua các sáng kiến khác nhau trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là động lực chính cho hội nhập kinh tế và xã hội của ASEAN: Sáng kiến e-ASEAN năm 1999, Khuôn khổ e-ASEAN năm 2000, Kế hoạch chi tiết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2007.

Sáng kiến Kế hoạch tổng thể Công nghệ thông tin ASEAN 2015 được thông qua năm 2011, tập trung vào các mục tiêu chiến lược: Chuyển đổi kinh tế, trao quyền cho công dân, đổi mới, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thu hẹp những khoảng cách về công nghệ. Để hỗ trợ một số sáng kiến, Kế hoạch tổng thể dự kiến việc thiết lập các luật thương mại điện tử hài hòa ở mỗi quốc gia thành viên để tạo một môi trường công nghệ thông tin thuận lợi cho các doanh nghiệp và xây dựng lòng tin nói riêng bằng cách thúc đẩy các giao dịch an toàn trong ASEAN, phát triển một khuôn khổ chung để bảo mật thông tin và an ninh mạng.

Một số thách thức đối với hài hòa pháp lý thương mại điện tử có thể được đề cập như sau:

Thứ nhất, sự khác biệt trong cách tiếp cận pháp lý.

Sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận pháp lý là rào cản khó xóa bỏ giữa các quốc gia. Mặc dù, có sự khác biệt trong hệ thống pháp luật ở khu vực nhưng đến nay điều này không tác động tiêu cực đến sự hài hòa của pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các nước ASEAN có hệ thống thông luật được hưởng lợi từ việc có thể xem xét các án lệ từ các cơ quan tài phán từ các quốc gia theo truyền thống thông luật khác khi giải thích pháp luật. Theo thời gian, điều này là tiềm năng cho sự hài hòa.

Thứ hai, sự thiếu vắng của các cơ quan quản lý độc lập, có nguồn lực tốt.

Trên thực tế, nhiều vấn đề pháp lý đòi hỏi sự quan tâm của một cơ quan quản lý tập trung, cụ thể nhưng điều này còn thiếu ở một số khu vực pháp lý. Một cơ quan quản lý có đủ kinh phí và quyền ra quy tắc thứ cấp đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực công nghệ mới, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư biến đổi không ngừng. Một cơ quan quản lý linh hoạt, có nguồn lực tốt thường có thể giải quyết các vấn đề mới thông qua việc xây dựng các hướng dẫn hoặc sử dụng các trường hợp thử nghiệm - và quá trình này nhanh hơn nhiều so với việc chờ đợi quốc hội cập nhật luật.

Thứ ba, quá trình lập pháp chậm.

Các nước thành viên cũng có nhiều quan ngại về tốc độ chậm chạp của quá trình lập pháp (bao gồm cả những tồn đọng đáng kể) ở một số khu vực pháp lý. Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã phải đối mặt với vấn đề này trong nhiều năm, mặc dù việc thông qua Luật Thương mại điện tử gần đây ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là một bước phát triển tích cực. Thêm vào đó, mức độ nhận thức thấp trong một số chính phủ về các vấn đề thương mại điện tử và pháp luật là nguyên do dẫn đến quá trình lập pháp chậm.

Thực tiễn hài hoà hoá pháp luật thương mại điện tử tại một số quốc gia

Trong khuôn khổ nghiên cứu, nhóm tác giả giới hạn vào hai lĩnh vực thuộc thương mại điện tử mà các quốc gia ASEAN tích cực hài hòa hóa và có nhiều điểm chung là những quy định về giao dịch điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Giao dịch điện tử

Tại Brunei, Đạo luật giao dịch điện tử của Brunei năm 2004 (sửa đổi và cập nhật năm 2008) nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện tử bằng cách loại bỏ các rào cản do sự không chắc chắn về mặt pháp lý đối với các yêu cầu về chữ ký điện tử, hồ sơ điện tử và thương mại điện tử nói chung. Đạo luật thể hiện các nguyên tắc chính của Luật mẫu về TMĐT của Liên Hợp quốc (UNCITRAL-1996) như sự tương đương về chức năng. Đạo luật nhằm hoạt động như một luật giao dịch điện tử toàn diện. Brunei Darussalam xem xét sửa đổi thêm luật, để làm cho luật hài hòa và trung lập hơn về công nghệ, đặc biệt là liên quan đến xác thực.

Tại Indonesia, Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử 2008 quy định chung về thương mại điện tử, cùng với các quy định cụ thể hơn về các vấn đề về quyền riêng tư, tội phạm mạng. Luật quy định về mặt pháp lý đối với chữ ký điện tử đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Các quy định gần đây đã thiết lập một quy định chi tiết hơn hệ thống liên quan đến chữ ký số, bao gồm cả việc cấp phép cho các nhà cung cấp chữ ký.

Tại Malaysia, Đạo luật Thương mại điện tử năm 2006 là nguồn chính của các quy định về thương mại điện tử cho khu vực tư nhân và được bổ sung bởi Đạo luật Hoạt động của Chính phủ điện tử 2007, áp dụng tương tự các quy tắc đối với khu vực công.

Đạo luật Thương mại điện tử 2006 phản ánh chặt chẽ Công ước về Truyền thông Điện tử của Liên Hợp quốc. Malaysia cũng có luật cụ thể về chữ ký điện tử - Đạo luật Chữ ký số 1997. Khuôn khổ pháp lý của Đạo luật đã được củng cố để khuyến khích việc sử dụng trong tương lai theo Đạo luật Chữ ký điện tử sửa đổi năm 2001.

Tại Philippines, Đạo luật Thương mại điện tử năm 2000 dựa trên Luật mẫu UNCITRAL năm 1996, mở rộng cho các thông điệp dữ liệu điện tử và tài liệu được tạo ra cho cả mục đích thương mại và phi thương mại. Đạo luật đặt ra các quy tắc pháp lý về việc chấp nhận các tài liệu hoặc thông điệp điện tử thành cơ sở bằng chứng. Tòa án tối cao của Philippines đã ban hành Quy tắc về bằng chứng điện tử vào năm 2001, thúc đẩy việc xét xử nhanh chóng những người vi phạm Đạo luật này.

Đạo luật Giao dịch Điện tử 2010 tại Singapore thay thế Đạo luật Giao dịch Điện tử 1998, quy định việc công nhận chữ ký điện tử và phù hợp chặt chẽ với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Sử dụng phương tiện liên lạc điện tử trong Hợp đồng Quốc tế - Công ước mà Singapore đã ký kết và phê chuẩn.

Tại Thái Lan, Đạo luật Giao dịch điện tử 2001 đặt ra khuôn khổ pháp lý về hiệu lực của chữ ký điện tử và các giao dịch điện tử đã giải quyết các vấn đề như thủ tục pháp lý và tình trạng chứng minh. Đáng chú ý, đạo luật bao gồm sự kết hợp của các điều khoản từ một số mô hình quốc tế, nhưng các phần chính tuân theo Luật mẫu UNCITRAL về thương mại điện tử. Dự thảo luật với những sửa đổi nhằm điều chỉnh luật phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về sử dụng phương tiện liên lạc điện tử trong hợp đồng quốc tế mà Thái Lan đang xem xét trở thành một bên tham gia.

Luật Giao dịch điện tử 2005 của Việt Nam bao gồm các quy định về thương mại điện tử và chữ ký điện tử, được xây dựng dựa trên Luật mẫu UNCITRAL về thương mại điện tử năm 1996. Luật Giao dịch điện tử quy định cả chữ ký điện tử và phương tiện điện tử đồng thời nó cũng hàm chứa các điều khoản tạo ra các quy tắc pháp lý khi một hợp đồng được hình thành, như thời gian và địa điểm gửi và nhận một thông điệp điện tử. Ngày 15/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, áp dụng cho các cơ quan, tổ chức cung cấp.

Có thể thấy, để hỗ trợ các hoạt động thương mại điện tử, các quốc gia trong khu vực ASEAN đã xây dựng luật giao dịch thương mại điện tử dựa trên những khái niệm và những nguyên tắc cơ bản của Luật mẫu UNCITRAL về TMĐT năm 1996. Bộ luật mẫu này cung cấp các nguyên tắc có tính quốc tế, giải quyết một số trở ngại, nhằm tạo môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử

Trong phạm vi quốc tế, Nghị quyết số 68/167 được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 2013 quy định những vấn đề riêng tư trong thời đại kỹ thuật số. Trong đó, nhấn mạnh quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng và bảo vệ ở ngoài đời thực cũng như trực tuyến bởi các quốc gia thành viên. Gần đây nhất, ngày 25/5/2018, Đạo luật bảo vệ dữ liệu (GDPR) có hiệu lực với sự tham gia của 28 quốc gia EU và bao gồm cả Vương quốc Anh sau rất nhiều nỗ lực trong việc tìm tiếng nói chung bảo vệ dữ liệu người dùng. Trên thực tế, các quốc gia ASEAN đã tích cực xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trong khoảng 10 năm trở lại đây. Có thể thấy, GDPR là mẫu số chung mà các quốc gia ASEAN có thể hướng đến để hài hòa pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ở Indonesia, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nằm rải rác và có thể được tìm thấy trong Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử 2008, các quy định về hồ sơ y tế và sức khỏe cũng như luật hành chính nhân khẩu học. Hiện tại, Luật Giao dịch và thông tin điện tử cùng các quy định thực hiện đã trở thành tài liệu tham khảo chính để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các hệ thống điện tử, áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia hướng tới ban hành luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân dựa trên quy chuẩn của GDPR.

Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân 2010 có hiệu lực vào ngày 01/01/2013 của Malaysia chỉ áp dụng cho khu vực tư nhân, trong khi đó các cơ quan chính phủ được miễn trừ. Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân 2010 phản ánh chặt chẽ các nguyên tắc trong Chỉ thị về Bảo vệ dữ liệu 95/46/EC của Liên minh châu Âu, với một số thay đổi dường như áp dụng các phần của Khuôn khổ Quyền riêng tư của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Một cơ quan chính phủ mới đã được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Đạo luật đó là Cục Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân.

Philippines có một luật khá toàn diện về quyền riêng tư - Đạo luật Bảo mật Dữ liệu năm 2012. Đây là luật về quyền riêng tư hiện đại nhất trong khu vực, kết hợp nhiều hướng dẫn của Liên minh châu Âu, APEC và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Một đặc điểm thú vị của luật là số lượng lớn các tội phạm về hình sự quy định trong luật- hầu hết liên quan đến quyền riêng tư đều dựa trên các vi phạm hành chính hoặc dân sự. Tương tự như: Philippines, Singapore đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân vào năm 2012. Singapore cũng là một thành viên của APEC và luật mới đã chịu ảnh hưởng của Khuôn khổ Quyền riêng tư của APEC, tương thích rộng rãi với Chỉ thị bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu. Luật mới bao gồm việc thành lập Ủy ban bảo vệ dữ liệu, đây sẽ là một cơ quan độc lập thẩm quyền.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng năm 2010 bao gồm một số yêu cầu về bảo vệ dữ liệu đối với các tổ chức thu thập thông tin từ người tiêu dùng trực tuyến. Ngoài ra, vấn đề về bảo vệ dữ liệu còn được quy định phân mảnh tại nhiều luật chuyên ngành khác nhưng Việt Nam đang hướng đến việc ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và xa hơn là một Đạo luật riêng trong tương lai gần.

Hướng tới hài hòa hóa pháp luật thương mại điện tử trong ASEAN

Nhận thức được lợi ích của việc hài hòa hóa các khuôn khổ pháp lý thương mại điện tử ở các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển cộng đồng kinh tế, các nước ASEAN cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng lộ trình cụ thể và cập nhật về thương mại điện tử khu vực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Xem xét việc áp dụng một tài liệu/kế hoạch hướng dẫn mới cho các quốc gia ASEAN. Các hợp phần có thể bao gồm hướng dẫn về luật pháp và chính sách trong các lĩnh vực liên quan, có tham khảo các đầu công việc của các tổ chức và khu vực quốc tế khác, chẳng hạn như APEC hay Liên minh châu Âu. Lộ trình sẽ giúp các nước thành viên tự đánh giá tiến trình của họ trong việc thiết lập hài hòa pháp luật thương mại điện tử quốc gia.

Thứ hai, tăng cường chia sẻ thông tin trong ASEAN. Các quốc gia đang ở các giai đoạn phát triển luật thương mại điện tử khác nhau. Để đẩy nhanh tiến độ cho toàn khu vực, các quốc gia ở trình độ tiên tiến hơn nên tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước thành viên khác.

Thứ ba, xây dựng năng lực trong các lĩnh vực pháp luật. Các nước ASEAN không chỉ xây dựng năng lực của các nhà hoạch định chính sách và luật pháp mà còn cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật thương mại điện tử cho người dùng.

Thứ tư, giám sát sự hài hòa của luật thương mại điện tử trong các nước thành viên ASEAN thông qua Ban thư ký.

Việc xây dựng Báo cáo quốc gia về thương mại điện tử hàng năm sẽ giúp mang lại thông tin cập nhật cho tất cả các bên liên quan và có thể giúp thúc đẩy các nước thành viên đạt được các mục tiêu. Vai trò của Ban thư ký ASEAN (ASEC) trong vấn đề này sẽ là cầu nối. Cơ quan này đảm bảo sự phối hợp cần thiết nhằm hài hòa các khuôn khổ pháp lý khu vực và quốc gia, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai thành công thương mại điện tử ở 10 quốc gia. Các đầu mối ở mỗi quốc gia sẽ thu thập dữ liệu và gửi đến ASEC bao gồm luật liên quan, dự thảo để xây dựng một kho tài nguyên về pháp luật. Nền tảng này sẽ phục vụ để thông báo cho các bên liên quan về quy trình và giám sát những tiến bộ của luật thương mại điện tử trong ASEAN. Bằng cách đó, ASEC sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị cho các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy việc thực thi các luật thương mại điện tử trong nước song song với việc hài hòa trong khu vực và cuối cùng là tạo thuận lợi hơn cho thương mại xuyên biên giới.

Thứ năm, ban hành thêm các Luật mẫu, Quy định mẫu. Ngày 22/01/2021, Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số của Hiệp hội các quốc gia ASEAN đã thông qua Khung quản lý dữ liệu ASEAN và Điều khoản hợp đồng mẫu cho luồng dữ liệu xuyên biên giới. Điều khoản Hợp đồng mẫu có thể được xem là một dạng luật mềm hữu hiệu cho các quốc gia tham khảo trong quá trình xây dựng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mục dữ liệu xuyên biên giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2005), Luật Giao dịch điện tử Việt Nam năm 2005;

2. Quốc hội (2010), Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Việt Nam năm 2010;

3. Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân Malaysia năm 2010;

4. Luật Thông tin và Giao dịch Điện tử Indonesia năm 2008;

5. Đạo luật Giao dịch Điện tử Singapore năm 2010;

6. Đạo luật Giao dịch điện tử Thái Lan năm 2001;

7. Đạo luật giao dịch điện tử Brunei năm 2004;

8. Đạo luật Thương mại Điện tử Philppines năm 2000;

9. Paisey, C. & Nicholas, N.J., Harmonisation Of Company Law: Lessons From;

10.Scottish and English Legal History, 42 Manag. Decis. 1037, 1037-050 (2010).

* ThS. Lê Xuân Tùng, ThS. Đào Bá Minh

Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ I tháng 3/2022