Tỉnh Trà Vinh:

Hướng đến sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Hữu Huệ/Báo Trà Vinh

Việc hướng đến xây dựng và nhân rộng các mô hình/đề tài nghiên cứu phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản luôn được đặt lên hàng đầu...

  Nông dân Lâm Thanh Đầy với mô hình nuôi dê thích ứng BĐKH vùng ven biển. Ảnh: Hữu Huệ
Nông dân Lâm Thanh Đầy với mô hình nuôi dê thích ứng BĐKH vùng ven biển. Ảnh: Hữu Huệ

PGS.,TS. Lâm Thái Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh chia sẻ: Hiện nay, trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), với nhiều bất lợi cho sản xuất như mặn xâm nhập, khô hạn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi cũng như đời sống của người dân.

Do đó, việc hướng đến xây dựng và nhân rộng các mô hình/đề tài nghiên cứu phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản luôn được đặt lên hàng đầu của ngành. Các mô hình/đề tài phải gắn kết được tính thực tiễn, phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất của nông dân và mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất...

Bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực thủy sản với 02 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng của người dân vùng ven biển Trà Vinh; cùng với đó là đối tượng cua biển đã được người dân vùng ven biển phát triển nuôi theo hình thức xen canh là chính, tập trung thả nuôi trong các vuông tôm, mô hình rừng - tôm, chủ yếu là nguồn con giống cua biển bắt ngoài tự nhiên.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn con cua biển giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, đã ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển nhân rộng diện tích nuôi cua biển theo hình thức xen canh. Theo số liệu của Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, năm 2020 toàn tỉnh Trà Vinh có 23.500ha diện tích nuôi cua biển xen canh, đạt sản lượng 7.012 tấn; riêng trong 04 tháng đầu năm 2021 có 10.245 lượt hộ thả nuôi diện tích 12.261ha, với 73,09 triệu con giống và thu hoạch 1.425 tấn.

Để giúp người nuôi tiếp cận được con giống chất lượng và thích nghi với môi trường nuôi ngay từ khi ở giai đoạn ương dưỡng; thông qua Đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển tại tỉnh Trà Vinh do Trung tâm giống chủ trì thực hiện, theo ThS. Lê Chí Thọ, chủ nhiệm đề tài: đề tài sản xuất cua biển giống đã mở ra nhiều triển vọng cho người nuôi cua biển ở tỉnh; đến tháng 4/2021 đã cung cấp cho hộ nuôi trong mô hình của đề tài trên 430.000 con cua giống (kích cỡ cua I:10-14g/1.000 con) và dự kiến số lượng cua biển giống trong dự án sẽ cung cấp khoảng 830.000 con giống. Thời gian tới, khi nhu cầu nuôi cua biển trong nông dân phát triển mạnh, ngoài nguồn cua biển giống cung cấp từ trại sản xuất, đề tài sẽ chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống để xã hội hóa công tác giống cua biển cho cộng đồng.

Nông dân Huỳnh Văn Sê (Ấp 11, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải) cho biết: gia đình có hơn 10 năm nuôi cua biển, trước đây nuôi từ nguồn cua tự nhiên theo hình thức thả lan trong ao tôm quảng canh (gần 05ha). Từ năm 2017 đến nay, cua biển được nuôi thâm canh, mỗi vụ thả khoảng 10.000-13.000 con cua biển giống/02ha, do nguồn cua giống chủ yếu mua từ các tỉnh ngoài về thông qua các các điểm bán tôm giống, vì vậy tính thích nghi về môi trường của cua giống không có; từ đó tỷ lệ thả nuôi hao hụt khá cao.

Nói về hướng mở ra cho nghề nuôi cua biển, cũng theo ông Huỳnh Văn Sê, nguồn cua biển giống được sản xuất tại địa phương, có tính thuần cao (từ giai đoạn nuôi vỗ cua mẹ sinh sản đến ương dưỡng ấu trùng lên cua giống…) sẽ tạo thuận lợi cho con cua thích nghi và phát triển tốt tại địa phương, khi đó người nuôi hạn chế rủi ro hao hụt ở giai đoạn đầu (khoảng 01 tháng từ khi thả giống). Nếu thành công về sản xuất con cua giống tại địa phương, sẽ giải quyết được bài toán khó cho người nuôi cua khi muốn nuôi theo hướng thâm canh, đòi hỏi lượng cua giống rất lớn… Qua đó, giúp người dân vùng ven biển phát triển mạnh nghề nuôi cua biển và góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản ngoài con tôm, hiện đang gặp nhiều rủi ro…

Về mô hình chăn nuôi dê lai (Bách thảo x Boer) thuộc Chương trình nông thôn miền núi đầu tư cho Trà Vinh. Sau gần 02 năm đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người nuôi. Với tổng số 200 dê cái của dự án đầu tư ở huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, qua đó, đã có 90% số dê cái đã sinh sản (1,25 lứa/năm, trung bình 1,6 con/dê cái); tổng đàn lên 720 con và cho thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/dê con.

Nông dân Lâm Thanh Đầy, ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: đây là lần đầu được tiếp cận mô hình nuôi dê, với số lượng đàn dê được đầu tư 10 con dê cái và 01 dê đực giống; hiện nay đàn dê của gia đình đã có thêm 25 con dê con và trung bình mỗi dê con cho thu nhập 1,5-1,7 triệu đồng/con. Đầu tư nuôi dê không cực như nuôi bò, do thời gian nuôi dê ngắn (khoảng sau 04 tháng là tẻ bầy dê con), người nuôi có thu nhập liền để giải quyết kinh tế gia đình; bình quân nuôi 01 con bò phải mất khoảng 13-14 tháng mới xuất bán và giá trị chỉ bằng 10 con dê con. Hiện nguồn tiêu thụ dê hơi cung cấp cho thị trường ở trong và ngoài tỉnh rất sốt, giá dao động 130.000-135.000 đồng/kg dê hơi và dê giống là 170.000 đồng/kg. Đặc biệt là nguồn thức ăn cho dê ở vùng ven biển khá dồi dào, nhưng lượng tiêu thụ thức ăn của dê rất thấp so với nuôi bò.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Minh Trọn, cán bộ phụ trách Chăn nuôi - Thú y của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết: hiện trên địa bàn huyện có 10 hộ (xã Long Vĩnh, Đông Hải) tham gia dự án, được đầu tư 10 dê đực giống boer và 100 dê cái giống Bách thảo. Qua hơn 01 năm nuôi, số dê con tăng lên 125 con/năm.

Từ hiệu quả của con dê mang lại trong những năm gần đây, trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đã được huyện đưa vào cơ cấu đối tượng vật nuôi chính bên cạnh con bò và heo... Đặc biệt nghề nuôi dê trong từng hộ gia đình rất phù hợp với mô hình sinh kế thích ứng BĐKH của nông dân vùng ven biển. Tính đến cuối tháng 4/2021, trên địa bàn huyện Duyên Hải đã phát triển tổng đàn dê được 13.800 con, trong này có trên 90% đàn dê phát triển dê lai theo hướng nâng cao tầm vóc và nạc hóa.

Cũng theo PGS.,TS. Lâm Thái Hùng, đối với 02 đề tài/dự án trên đã có tác động tích cực về kinh tế - xã hội và môi trường. Trong này, ngoài phát triển nghề sản xuất cua giống, kết quả của đề tài góp phần phát triển nghề nuôi cua tại địa phương, giúp người nuôi có được con giống tại chỗ với chất lượng tốt để phục vụ phong trào nuôi; từ đó góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; trong quá trình sản xuất ít sử dụng thuốc và hóa chất nên không làm ảnh hưởng đến môi trường.  Dự án nuôi dê được triển khai tại vùng có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và những vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề do nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Cho nên việc triển khai hiệu quả mô hình nuôi dê lai này sẽ tạo ra sinh kế và cải thiện đáng kể được thu nhập cho người dân Trà Vinh.