Hướng đi nào cho nông sản xuất khẩu?
(Taichinh) - 2015 được đánh giá là năm bản lề của các Hiệp định thương lại tự do đối với Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là mở ra nhiều cơ hội và triển vọng cho các ngành kinh tế của đất nước, trong đó có điểm nhấn là xuất khẩu nông sản sẽ phải đối mặt với các thách thức như thế nào?
Những khó khăn cần tháo gỡ
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tiếp tục tăng trưởng so năm 2014, dự kiến đạt 32 tỷ USD, nhưng thực tế trong quý I/2015, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so cùng kỳ năm 2014.
Ngành nông sản của Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng không có nghĩa là trước thềm hội nhập chúng ta có đủ điều kiện để chủ động vươn ra thế giới. Chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, bấy lâu nay, xuất khẩu nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp nông sản trong nước đang làm ăn với quy mô nhỏ.
Ngày 5/5 Việt Nam - Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), mở ra một thị trường đầy tiềm năng. Ngoài ra, chúng ta cũng đang kỳ vọng sớm ký kết FTA Việt Nam - EU. Đây sẽ là những bước đi đầu tiên để doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp sản xuất nông sản nói riêng sẽ lựa chọn phương thức nào để vào được các thị trường mới mẻ này một cách bài bản hơn.
Theo các chuyên gia nông nghiệp đánh giá thì yếu tố bất cập nhất hiện nay không chỉ đối với nông dân mà ngay cả với các nhà sản xuất cũng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, không đầu tư đúng mức để điều tra, nghiên cứu thị trường, mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ... Chính vì thế các nhà sản xuất sẽ bỏ lỡ những lô hàng lớn theo từng container.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để xuất khẩu nông sản thành công, trước hết doanh nghiệp cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản. Bởi hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu vào và giải quyết đầu ra chưa tốt, doanh nghiệp thường áp giá với người nông dân cao hơn so với khả năng của họ, hơn nữa chi phí chế biến lại cao, gây thiệt thòi cho người nông dân.
Cơ hội đã mở đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng để hội đủ các điều kiện nắm bắt cơ hội mới là điều đáng bàn hiện nay. Theo ý kiến của các chuyên gia thì để các sản phẩm nông nghiệp bước chân vào các thị trường quốc tế thì các doanh nghiệp trong nước phải nắm vững các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần tập hợp các đầu mối quản lý thương mại cho nông sản thành “nhóm phản ứng nhanh” để giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh. Trên thực tế, chính các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục thương mại đã làm giảm sức cạnh tranh nông sản Việt. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra đề nghị cần xem xét lại hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại không nên coi là việc của riêng các tham tán, thương vụ ở nước ngoài mà có vai trò quan trọng của bộ, ngành trong nước.
Mạng lưới tham tán thương mại hiện nay khá rộng nhưng xử lý rất thụ động nhiều vấn đề thị trường cả ngắn hạn và dài hạn. Theo kiến nghị của đại diện nhiều hiệp hội về thương mại nông sản, cần phải có “nhóm phản ứng nhanh” cho xuất khẩu nông sản trong thời điểm hội nhập hiện nay. Nhóm công tác này sẽ tổ chức thường xuyên đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng nhằm nắm bắt cụ thể, kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, thông qua đó sẽ tìm ra đối sách kịp thời và hiệu quả.
Nông sản sạch - xu hướng tất yếu
Với cơ chế, chính sách đã mở, để hàng nông sản Việt Nam trụ vững được ở thị trường quốc tế thì yêu cầu tiên quyết vẫn là chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, cơ hội lớn đang mở ra cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu nước ta, bởi nhiều thị trường sẽ đưa mức thuế nhập khẩu nông sản về 0% trong vài năm tới, theo các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh.
Đồng tình ý kiến này, PGS-TS. Dương Văn Chín, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, khi đã tham gia các FTA, thuế sẽ dần về 0% thì các rào cản chỉ còn là những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Do đó, vấn đề chính của chúng ta hiện nay là phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho nông sản.
Chúng ta không thể lờ đi việc đáp ứng các yêu cầu đối với chất lượng nông sản bởi tiêu thụ nông sản sạch là xu hướng tất yếu của tất cả các nước, trong khi Việt Nam đang nằm trong danh sách các nước có hàng nông sản bị trả lại vì không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa SSC thuộc công ty CP Giống cây trồng Miền Nam, khi hướng đến các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu đô thị thì càng đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao và mang đến giá trị riêng biệt. Trong đó, chỉ năng suất thôi là chưa đủ. Nếu không bảo quản kỹ thì sáng là rau nhưng chiều là rác.
Các chuyên gia cho rằng giải pháp nâng cao chất lượng nông sản Việt khả thi nhất là tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị ngành hàng, như vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu. Nếu không phát triển chuỗi thực phẩm an toàn thì uy tín, sức cạnh tranh sản phẩm không cao, ngay cả ở thị trường nội địa.
Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; xây dựng mối liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm. Xây dựng sàn giao dịch mua bán sản phẩm từ mô hình chuỗi, giới thiệu mạng lưới đặt hàng giao dịch mua bán, địa chỉ bán sản phẩm để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, lựa chọn sản phẩm.