Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội
Công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu áp dụng từ 1/1/2018 sẽ tác động đến mức lương hưu của người lao động, nhất là với nữ giới. Không ít người lao động đang có tâm lý muốn về hưu trước năm 2018 nhằm “lách” quy định. Nhưng thực tế, lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố nên không phải ai về hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người về hưu sau 2018.
Mục tiêu cân bằng đóng - hưởng
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu như sau: Đủ 15 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2%, tối đa không quá 75%. Như vậy, để đạt tỷ lệ 75% lương hưu, lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH, nếu nghỉ hưu trước năm 2018, lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỷ lệ 75%.
Những lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi mà chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu không đạt mức 75%. Lao động nam nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau: Năm 2018 quy định đủ 16 năm đóng BHXH bằng 45% sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, tối đa không quá 75% (đủ 31 năm đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 75%).
Nhằm lách những quy định mới này, thời gian gần đây đã có nhiều trường hợp người lao động gần đến tuổi nghỉ hưu đi giám định y khoa để nghỉ hưu non.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, cách tính lương hưu mới từ năm 2018 này sẽ ảnh hưởng nhiều tới khu vực tư, bởi khu vực này tính bình quân toàn bộ quá trình làm việc. Trong khi khu vực công ít bị ảnh hưởng do cách tính lương hưu của khu vực này đang được tính theo từng giai đoạn.
Vì thế, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. Bởi Luật đã quy định từ năm 2018 trở đi tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Như vậy, do tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn chứ không thấp hơn.
Bảo đảm an sinh xã hội bền vững
Theo các chuyên gia, những quy định chế độ hưu trí trong Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 hướng đến việc bảo đảm nguyên tắc “đóng - hưởng”, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Bởi Luật BHXH 2006 chưa có sự bình đẳng giữa người nghỉ hưu trong khu vực nhà nước với khu vực ngoài nhà nước.
Trong khu vực nhà nước, lương hưu tính bình quân một số năm cuối khi nghỉ hưu; nhưng ở khu vực ngoài nhà nước lại tính cả quá trình từ năm bắt đầu đóng BHXH đến năm nghỉ hưu. Luật BHXH sửa đổi 2014 đang hướng đến việc giải quyết bất cập đó, nhưng để xử lý được phải có lộ trình.
Đồng thời, Luật BHXH 2014 cũng có những quy định mở tạo điều kiện cho người lao động. Như đối với những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH, để được hưởng mức lương hưu tối đa, người lao động có thể đóng BHXH theo hình thức tự nguyện để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% mức đóng BHXH.
Thậm chí, nếu vì lý do nào đó mà người lao động thiếu cả tuổi lẫn thời gian đóng BHXH tối đa thì vẫn có thể đóng tiếp số tiền theo 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm và chờ đủ thời gian đóng BHXH để nghỉ hưu.
Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, chính sách hưu trí chính là “cái lưới an sinh” bảo vệ người lao động tránh bị rơi vào nghèo đói khi hết tuổi lao động. Đầu những năm 1990, do sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, nước ta có khoảng 700.000 lao động nhận BHXH một lần. Rất nhiều người trong số họ có cuộc sống khó khăn do không có lương hưu.
Nhiều người thậm chí còn muốn trả lại Nhà nước số tiền đã nhận để tiếp tục làm việc và đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu, nhưng quy định không cho phép. Đây là minh chứng cho các hệ lụy của người lao động khi hưởng BHXH một lần và cũng được coi là bài học trong việc xây dựng chính sách.