Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:
Hướng tới các chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập
Chiều ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ năm 2017 với mục đích là nơi trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm giữa đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự Phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao còn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Bên cạnh đó, còn có các chuyên gia trong nước và quốc tế; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, trong nước, các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chân thành, thẳng thắn, có căn cứ khoa học, thực tiễn. Các chủ đề thảo luận của Diễn đàn vừa có tính chất cơ bản, lâu dài, vừa thời sự, vừa giải quyết những vấn đề chiến lược, vừa xử lý những vấn đề tình thế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách phải luôn trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên tinh thần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng các quốc gia. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế như: độ mở cao, cơ cấu xuất khẩu FDI chiếm 70%, khả năng hấp thụ…Trong đó, yêu cầu cấp thiết là xử lý các thách thức nổi lên, phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng để tự chủ nền kinh tế.
“Tầm nhìn 2030 chúng ta là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển hiện đại, thu nhập trung bình cao. Chúng ta cần cụ thể hoá mục tiêu này, đơn cử như xây dựng nền kinh tế có công nghiệp nền tảng, có công nghiệp về chế biến chế tạo, có công nghiệp về vật liệu xây dựng…”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế khi hội nhập, đan xen trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt các lợi thế hội nhập để phục hồi nhanh và bền vững. Có mục tiêu liên quan đến xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, xây dựng phòng tuyến an ninh quốc phòng, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Xác định thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ba trụ cột chính là xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, khơi thông sử dụng được mọi nguồn lực, nâng cao sức chống chịu cạnh tranh của nền kinh tế cũng như các ngành các lĩnh vực.
Nhắc tới các nội dung chuyên đề được các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thảo luận tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tại Chuyên đề "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản", Diễn đàn đã tập trung đánh giá thực trạng, tồn tại hạn chế và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, cần chú trọng bảo đảm hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; khắc phục bất cập của các thị trường này, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, đúng pháp luật.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần có giải pháp phát triển đồng bộ các loại thị trường và các yếu tố thị trường hướng tới các chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường nhưng có can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Song song với đó cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đó, phải rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho việc huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho phát triển. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Thúc đẩy hợp tác công tư (PPP); phát triển các mô hình: Đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công...
Đồng thời, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Hiện Việt Nam hiện có trên 800 nghìn doanh nghiệp có tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao và đang nỗ lực phục hồi, phát triển. Chú trọng tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu...
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp phát biểu, thảo luận đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch COVID-19 trên các khía cạnh như: thương mại, đầu tư, kinh tế số, dịch chuyển chuỗi cung ứng…; những cơ hội, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam; các thành tựu, tồn tại và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua; quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và các bước cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, kiến nghị các giải pháp khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.