Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng


“Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” là nội dung của Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niêm năm 2018. Ấn phẩm do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019” sáng ngày 25/3/2019, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS., TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua. Động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công ngiệp chế biến chế tạo và tiêu dùng nội địa, thặng dư thương mại.

Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp khó khăn trong phát triển; Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng còn chịu nhiều sức ép; Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng...

Nhìn chung, trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) thường xuyên ở mức cao. Thực trạng này ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn. “Có thể nói, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới”, GS., TS. Trần Thọ Đạt đánh giá.

Bối cảnh này đòi hỏi cần phải có sự đánh giá một cách toàn diện thực trạng về chính sách tài khóa, đồng thời phân tích tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Theo GS., TS. Trần Thọ Đạt, bên cạnh việc đánh giá diễn biến kinh tế năm 2018 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức) và triển vọng năm 2019, Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 còn phân tích đặc điểm và thực trạng chính sách tài khóa Việt Nam (bao gồm thực trạng thu chi ngân sách, phân cấp ngân sách, và nợ công); đánh giá tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế; đánh giá mức độ bền vững của chính sách tài khóa trong trung và dài hạn; đồng thời, đề xuất các giải pháp hướng tới chính sách tài khóa bền vững nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

“Kết quả của đánh giá chuyên sâu vấn đề này sẽ có đóng góp quan trọng về cơ sở lý luận và thực tiễn cho cải cách chính sách tài khóa, đáp ứng việc duy trì cán cân ngân sách bền vững, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn”, GS., TS. Trần Thọ Đạt thông tin.

Theo phân tích của giới chuyên gia, Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 có những điểm nhấn khác biệt nhấn so với các báo cáo kinh tế thường niên của các tổ chức khác. Báo cáo thể hiện quan điểm riêng của các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân về các vấn đề kinh tế trong năm, có tính phản biện chính sách một cách độc lập, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách.

“Bên cạnh phân tích định tính, những đánh giá của Báo cáo còn được thực hiện thông qua các phương pháp định lượng, theo đó, đảm bảo những kết luận đưa ra được dựa trên những bằng chứng thực nghiệm, có căn cứ khoa học, có dẫn chứng cụ thể. Điều này cũng thể hiện tính học thuật cao của Báo cáo thường niên, gắn kết những vấn đề nóng của nền kinh tế với việc thực hiện nghiên cứu định lượng”, PGS., TS. Tô Trung Thành, đồng chủ biên Ấn phẩm chia sẻ.

Đồng thời với việc công bố ấn phẩm thường niên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo nhằm tổng kết kinh tế Việt Nam năm 2018 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức), từ đó khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2019.

Tại Hội thảo các chuyên gia đã tập trung phân tích và đánh giá chính sách tài khóa hiện nay, từ đó đưa ra các khuyến nghị với mục tiêu đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; và góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Một số nội dung các diễn giả tập trung bàn luận tại Hội thảo như sau:

Thứ nhất, làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2018.

Thứ hai, đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam và các chính sách năm 2018; những thành tựu và những tồn tại hạn chế; phân tích nguyên nhân của các hạn chế.

Thứ ba, phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2019; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019; từ đó, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2019 và những năm tiếp theo.

Thứ tư, phân tích đặc điểm và thực trạng chính sách tài khóa Việt Nam, bao gồm thực trạng thu chi ngân sách, phân cấp ngân sách, thâm hụt ngân sách và nợ công; và đánh giá tác động đến nền kinh tế.

Thứ năm, đánh giá khả năng bền vững của chính sách tài khóa Việt Nam trong trung và dài hạn.

Thứ sáu, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị cho chính sách tài khóa để đảm bảo nền tài chính quốc gia bền vững nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.