Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN
(Tài chính) Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community -AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015. Đây được coi một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. Các nước thành viên ASEAN hiện đang rất nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 về phát triển kinh tế và hội nhập khu vực, hướng tới phát triển đồng đều và bền vững. AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN (Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội) nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020.
AEC không hướng tới một cộng đồng giống như Cộng đồng kinh tế châu Âu – tức có đồng tiền chung, chính sách kinh tế, tiền tệ chung. Khi AEC được hình thành, lợi ích mà các thành viên có được sẽ là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, khoảng cách phát triển giữa các nước sẽ được thu hẹp hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh.
AEC là đỉnh cao của những nỗ lực tăng trưởng kinh tế ASEAN trong suốt hơn 20 năm qua. Theo thống kê từ Ban Thư ký ASEAN, đến nay, khoảng 80% công việc chuẩn bị cho AEC đã được hoàn thành. Khi được thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung tương đối lớn với 610 triệu dân, GDP hàng năm lên tới 2.339 tỷ USD.
Cho tới nay, ASEAN đã đạt được những tiến bộ vững chắc, đặc biệt là xây dựng một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất. Hết năm 2013, ASEAN đã hoàn thành khoảng 72% tổng số các biện pháp trong lộ trình tổng thể xây dựng AEC. Riêng đối với các biện pháp ưu tiên hoàn thành AEC, ASEAN đã hoàn thành 81,7%. Các lĩnh vực đang được thúc đẩy thảo luận là thu hẹp khoảng cách phát triển, xử lý các rào cản thương mại phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, kết nối. ASEAN cũng đang nỗ lực nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực trong các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, thảo luận khuôn khổ về an ninh lương thực ASEAN.
Những chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam
Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một trong bốn thành viên có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Việt Nam đã tham gia hợp tác một cách toàn diện với các nước ASEAN từ các lĩnh vực truyền thống như: thương mại, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, viễn thông, cho đến các lĩnh vực mới như: bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng… Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Đối với Việt Nam, việc tham gia tích cực AEC sẽ giúp tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn thì thách thức cũng không nhỏ.
Các thách thức đó là khoảng cách rất lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước ASEAN – 6. Năng lực cạnh tranh hiện nay của Việt Nam cũng còn thấp hơn các nước trong khu vực; hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về cộng đồng ASEAN, chưa nắm được cơ hội khi tham gia AEC…
Với các thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn nữa các cơ hội trước mắt để tận dụng những lợi ích khi AEC chính thức được thành lập.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2014