Hướng tới hệ thống thuế hiện đại, công bằng và phù hợp thực tiễn

Thùy Linh

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, hệ thống chính sách thuế tại Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu cấp bách về đổi mới và cải cách. Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đã có những chia sẻ về các thách thức, hạn chế hiện tại và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thuế, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế.

Phóng viên: Hiện nay, thuế có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế và xã hội. Theo bà, hệ thống thuế hiện nay cần đáp ứng những yêu cầu gì để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước?

Bà Nguyễn Thị Cúc
Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc: Thuế có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Đầu tiên, thuế là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực để Nhà nước thực hiện các chức năng thiết yếu như cung cấp dịch vụ công, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, quốc phòng, an ninh và các chương trình an sinh xã hội. Việc có một hệ thống chính sách thuế phù hợp, đáp ứng yêu cầu điều tiết của ngân sách nhà nước và đáp ứng, thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế nước nhà là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách, hoàn thiện chính sách thuế. Và nếu ngược lại sẽ mang tính trì trệ, cản trở, làm giảm nguồn lục tại chính của Đất nước.

Không những vậy, thông qua các công cụ thuế, Nhà nước có thể điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp và người dân, định hướng phát triển kinh tế theo những lĩnh vực ưu tiên. Ví dụ, các chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hoặc sản xuất thân thiện với môi trường đã tạo động lực cho các nhà đầu tư tập trung nguồn lực vào những ngành nghề có lợi cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn.

Tuy nhiên, để hệ thống thuế đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao, chúng ta cần một hệ thống thuế công bằng, minh bạch và dễ thực thi. Công bằng ở đây có nghĩa là mọi cá nhân và doanh nghiệp đều phải đóng góp tương ứng với khả năng và trách nhiệm của mình, không để xảy ra tình trạng người có thu nhập cao lại được hưởng lợi nhiều hơn từ các kẽ hở pháp luật. Minh bạch là điều kiện để mọi quy định thuế đều rõ ràng, không gây khó hiểu hoặc tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực.

Cuối cùng, để dễ thực thi đòi hỏi các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả quản lý cho cơ quan thuế.

Phóng viên: Vậy, bà đánh giá như thế nào về hệ thống chính sách thuế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Trong những năm qua, hệ thống chính sách thuế của nước ta ngày càng được hoàn thiện theo nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ thực hiện. Cùng với đó, hệ thống chính sách thuế đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng tiến đến tăng tưởng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời đảm bảo cắt giảm thuế quan theo lộ trình và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế khu vực.

Cùng với hoàn thiện về thể chế chính sách, cơ chế quản lý thuế cũng được từng bước đổi mới theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Thuế được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Ngành Thuế cũng đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; kê khai, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế , thí điểm tư vấn thuế bằng công cụ trí tuệ  nhân tạo (AI)… đáp ứng chuyển đổi của nền kinh tế số, xu hướng thương mại điện tử toàn cầu.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, chuyển đổi nền kinh tế ngày càng dạng hóa, nhiều hình thức kinh doanh mới ra đời; sự gia tăng nhanh của quá trình số hóa, toàn cầu hóa (hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới) diễn ra nhanh chóng... Điều này dẫn đến một số quy định cũ tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế không còn phù hợp, lỗi thời.

Cùng với đó, xuất hiện khoảng trống điều chỉnh của luật pháp đối với hình thức, mô hình kinh doanh mới, hoặc gây khó khăn trong thực thi pháp luật đối với người nộp thuế cần sớm giải quyết trong thời gian tới.

Phóng viên: Theo bà, để khắc phục những hạn chế nêu trên và xây dựng một hệ thống thuế công bằng, minh bạch, đâu là các giải pháp cụ thể cần được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Để giải quyết những hạn chế hiện tại, tôi cho rằng, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Đầu tiên, đối với thuế thu nhập cá nhân, cần điều chỉnh biểu thuế lũy tiến theo hướng mở rộng khoảng cách giữa các bậc thuế, từ đó giảm gánh nặng cho người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Mức giảm trừ gia cảnh cũng cần được cập nhật định kỳ, phản ánh đúng thực tế lạm phát và chi phí sinh hoạt.

Thứ hai, trong thuế thu nhập doanh nghiệp, cần sửa đổi các quy định liên quan đến chi phí được trừ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ. Ngoài ra, cần minh bạch hóa các chính sách ưu đãi thuế, tránh tình trạng lợi dụng ưu đãi để trốn thuế hoặc chuyển giá.

Thứ ba, đối với thuế giá trị gia tăng, thủ tục khấu trừ và hoàn thuế cần được đơn giản hóa hơn nữa, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quy trình này. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính mà còn đảm bảo việc quản lý minh bạch và ngăn ngừa gian lận thuế.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế. Khi mọi người hiểu rằng đóng thuế là góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, họ sẽ có ý thức tuân thủ tốt hơn. Đồng thời, cơ quan thuế cũng phải nỗ lực xây dựng niềm tin bằng cách làm việc công tâm, minh bạch và hiệu quả.

Phóng viên: Để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, theo bà, Việt Nam cần áp dụng những chính sách thuế nào để hỗ trợ mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia khác đều chú trọng đến các loại thuế thân thiện với môi trường?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi chúng ta phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, và hệ thống thuế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu này.

Tôi cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng của thuế bảo vệ môi trường, tập trung vào những sản phẩm và hoạt động gây hại cho môi trường như bao bì nhựa, xăng dầu, than đá hoặc các sản phẩm hóa chất độc hại. Cùng với đó, chúng ta cũng cần tạo các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ sạch, hoặc có đóng góp vào việc tái chế, tái sử dụng tài nguyên.

Ngoài ra, thuế tài sản cũng là một công cụ quan trọng. Việc áp dụng thuế tài sản không chỉ giúp điều tiết hành vi sử dụng tài sản bất động sản mà còn hạn chế tình trạng đầu cơ, góp phần xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh hơn. Đây là một chính sách cần thiết để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên.

Quan trọng hơn, tất cả những chính sách này phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng và được tuyên truyền rộng rãi, để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của các loại thuế trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!