Hướng tới tự động hóa quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Với lĩnh vực dự trữ nhà nước, việc quản lý, đảm bảo chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Xác định rõ ý nghĩa này, trong giai đoạn tới, ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới vào công tác quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 để từng bước tự động hóa quy trình nghiệp vụ bảo quản dự trữ quốc gia, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo quản hàng dự trữ
Trong những năm gần đây, thiên tai mang tính cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong bối cảnh đó, ngành Dự trữ Nhà nước đã và đang từng bước đổi mới, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ để đảm bảo quản lý tập trung thống nhất nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG), hỗ trợ thông tin điều hành kịp thời trong mọi điều kiện, hoàn cảnh thiên tai cấp bách của đất nước.
Đặc biệt, nhận thức sâu sắc vai trò của công tác quản lý chất lượng hàng DTQG gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ trong công tác quản lý hàng DTQG.
Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến vào thực tiễn quản lý. Đến nay, 100% số lương thực dự trữ đã được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín với ưu điểm vượt trội như: Kéo dài được thời gian bảo quản, cải thiện điều kiện lao động, điều kiện môi trường, giảm chi phí bảo quản và đặc biệt giảm tỷ lệ hao hụt so với phương pháp bảo quản thoáng tự nhiên. Hàng hóa DTQG trong quá trình lưu kho đã được các đơn vị tuân thủ theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng hàng DTQG đã được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng ngay từ khi nhập kho. Trong quá trình bảo quản và khi xuất kho, hàng hóa luôn được kiểm tra sát sao, kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình bảo quản, đảm bảo chất lượng hàng hóa theo quy định. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ định Phòng thử nghiệm Vilas 628 (thuộc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước) là đơn vị đánh giá sự phù hợp mặt hàng lương thực DTQG trong công tác quản lý chất lượng...
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý chặt chẽ chất lượng hàng DTQG, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng hàng DTQG. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, đã có 18 thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế kỹ thuật đối với hàng DTQG được ban hành.
Trong đó, có 11 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế kỹ thuật đối với hàng DTQG, do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý; phối hợp với các bộ, ngành thẩm định và ban hành 7 thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế kỹ thuật đối với các mặt hàng DTQG do các bộ, ngành quản lý.
Từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã phê duyệt và thực hiện 19 đề tài cấp cơ sở, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu đã được triển khai trong Ngành, góp phần giúp kéo dài thời hạn bảo quản hàng DTQG, giảm chi phí thấp nhất, giảm tỷ lệ hao hụt tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và đảm bảo chất lượng hàng hóa DTQG khi xuất kho.
Hướng tới tự động hóa quy trình nghiệp vụ bảo quản hàng DTQG
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của DTQG là sử dụng nguồn lực chiến lược của đất nước một cách chủ động và hiệu quả nhằm đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, thời gian tới, công tác quản lý chất lượng hàng DTQG sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước chú trọng và nâng cao thông qua thanh tra, kiểm tra hàng hóa ngay từ khi nhập kho; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, nắm bắt kịp thời diễn biến chất lượng hàng hóa từ khi nhập kho đến khi xuất kho...
Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật đối với hàng DTQG, do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý phù hợp với Luật DTQG; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đảm bảo hiệu quả, có giá trị thực tiễn cao để phục vụ công tác quản lý...
Đặc biệt, toàn Ngành sẽ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác bảo quản hàng DTQG. Trong giai đoạn tới, ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2018-2022, ngành Dự trữ Nhà nước đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong kết nối dữ liệu quốc gia trong các ngành, lĩnh vực, địa phương; Thu nhập, xử lý thông tin phục vụ công tác phân tích dự báo, xác định nhu cầu và nhiệm vụ của hoạt động DTQG.
Trong giai đoạn từ 2018-2025, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung ngành DTQG, trên cơ sở đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ báo cáo thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính trong hoạt động DTQG.