Hướng tới xây dựng nền tài chính công hiệu quả
(Tài chính) Cũng là những con số tài chính công được báo cáo và công bố nhưng ở mỗi cơ quan quản lý lại có cách đọc, hiểu và đánh giá khác nhau. Đó là thực trạng được đưa ra và bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2014.
Còn nhiều kẽ hở, tạo áp lực cho quản lý
Thừa nhận thực trạng bức tranh tài chính công chưa được xây dựng để có cùng một cách đánh giá thống nhất, chưa minh bạch, ông Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng: Hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính trong một số nội dung còn phân tán, phạm vi các dự án công nghệ thông tin mới dừng lại ở việc đáp ứng các yêu cầu độc lập của từng ngành, lĩnh vực, tính liên kết, đồng bộ còn hạn chế.
Thực tế, dù Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2002 đã đánh dấu một bước cải cách quan trọng trong đổi mới công tác quản lý NSNN của Việt Nam trong việc công khai ngân sách, nâng cao trách nhiệm giải trình nhưng đến nay, Việt Nam vẫn được bị đánh giá là nước có mức độ công khai thấp. Nội dung công khai mới chỉ dừng lại việc công khai dự toán, quyết toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng NSNN mà chưa yêu cầu công khai quá trình thực hiện ngân sách trong năm. Số liệu công khai chủ yếu là số liệu tổng hợp, ít có sự so sánh, đánh giá về kết quả, hiệu quả huy động và sử dụng ngân sách. Trách nhiệm giải trình dự toán, thực hiện phân bổ và quyết toán ngân sách chủ yếu chỉ tập trung vào cơ quan tổng hợp các cấp, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của chủ thể được giao dự toán.
“Trong quản lý tài chính hiện nay cũng còn phân tán, còn nhiều kẽ hỡ, gây áp lực cho quản lý”, nhấn mạnh điều này ông Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết: Nợ đọng xây dựng cơ bản có lúc lên tới 91.000 tỷ đồng và trở thành căn bệnh trầm kha song đến nay vẫn khó xử lý. Nếu có được một hệ thống công nghệ thông tin quản lý tập trung sẽ một phần hạn chế được thực trạng này.
Triển khai, xây dựng GFMIS: Nhiệm vụ trọng tâm
Ngành Tài chính là một trong những Ngành đi đầu về áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý tại Việt Nam, nhiều dự án công nghệ thông tin quan trọng đã được thực hiện. Tuy nhiên, áp lực hội nhập đặt ra yêu cầu cần có một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại với một bộ dữ liệu tích hợp dùng chung toàn quốc. Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (GFMIS) là một gợi ý cho ngành Tài chính đã được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai áp dụng và có hiệu quả từ hệ thống này. Với hệ thống GFMIS, không chỉ các dữ liệu được quản lý tập trung xuyên suốt, đáp ứng các chuẩn mực quản lý theo thông lệ quốc tế mà còn tăng tính giải trình.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Thực hiện Chiến lược này, Bộ Tài chính đã có kế hoạch thực hiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý tài chính Chính phủ (GFMIS). Đây là hệ thống quản lý tài chính có tính chiến lược nhằm cung cấp cho Chính phủ thông tin tài chính chính xác và kịp thời nhằm tăng hiệu quả trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ cũng như đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế như IMF, các tập đoàn lớn như IBM, IDG, ORACLE... cũng đã bày tỏ quan điểm sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai áp dụng GFMIS. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình xây dựng và triển khai GFMIS ở Việt Nam, đảm bảo tính kết nối giữa các yêu cầu về xây dựng GFMIS với cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính công theo chiến lược Tài chính đến năm 2020, Hội thảo - triển lãm Vietnam Finance 2014 đã tập trung làm rõ về các vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, chỉ ra được những yêu cầu mà Hệ thống GFMIS cần hướng tới để từ đó có thể góp phần thực hiện có hiệu quả các định hướng cải cách thể chế tài chính công đến năm 2020, đặc biệt là trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý tài chính công; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính; tăng cường minh bạch và công khai;
Thứ hai, thảo luận, làm rõ các xu thế ứng dụng CNTT, kinh nghiệm các nước trong việc hoàn thiện phương thức, cách thức xây dựng và triển khai GFMIS, đặc biệt là về mô hình, lộ trình và điều kiện tổ chức thực hiện;
Thứ ba, các giải pháp, chính sách để đảm bảo sự thành công trong quá trình xây dựng và triển khai GFMIS ở Việt Nam, đặc biệt là những giải pháp để phát huy được hiệu quả của GFMIS trong tiến trình cải cách nền tài chính công của Việt Nam, trong đó có cả những giải pháp về chính sách và giải pháp về mô hình, cũng như lộ trình triển khai hệ thống GFMIS.