Làng nghề miến Cự Đà:
Hương vị đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến
(Tài chính) Cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km về phía Tây, nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội), làng Cự Đà không chỉ được biết là một không gian văn hóa độc đáo, nơi vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc Đồng bằng Bắc bộ, mà còn được biết đến là một làng nghề sản xuất miến lớn nhất tại miền Bắc. Làng Cự Đà làm miến quanh năm, riêng dịp giáp Tết, họ phải làm thâu đêm mới đủ đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của người tiêu dùng.

Hiện nay, làng Cự Đà có khoảng 400 hộ dân đang sống nhờ vào hai nghề làm miến và làm tương truyền thống, trong đó riêng làm miến đã có hơn 50 hộ sản xuất với kinh nghiệm và trình độ tay nghề cao. Những ngày cuối năm, không khí trong làng nhộn nhịp cảnh mua bán tấp nập và những cơ sở đang hoạt động hết công suất. Nhìn không khí say mê làm việc của người lao động, những đổi thay ở nơi đây đã làm chúng tôi thực sự có niềm tin vào công tác bảo tồn và phát triển văn hóa làng nghề của địa phương.
Theo nhiều bậc cao niên ở Cự Đà, nghề làm miến từ dong riềng ở Cự Đà đã có từ cách đây rất lâu rồi. Sợi miến Cự Đà khi nấu lên có vị thơm ngon, giòn và dai rất vừa miệng. Đặc biệt, sợi miến không bị nở trương hay nát vỡ khi người nội trợ nào "lỡ tay" nấu hơi lâu trên bếp. Để có sợi miến ngon, ở mỗi công đoạn người làm miến phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Ngay như ở khâu phơi bánh trước khi cắt thành từng sợi miến cũng đòi hỏi người phơi phải thật khéo để trải cho tấm bánh miến được căng rộng, đều trên tấm phên rộng, bởi như vậy thì tấm bánh miến mới khô đều và dễ cắt thành từng sợi miến nhỏ. Khi đã khô đến một mức độ nhất định, bánh miến sẽ được máy cắt nhỏ thành từng sợi dài, nhỏ rồi lại được đem phơi tiếp ngoài nắng.
Ngày nay, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại nên năng suất sản xuất miến ngày càng được tăng lên. Trung bình một lò làm miến cho năng suất 2 tấn/ngày, mỗi ngày Cự Đà có khoảng 15 đến 18 tấn miến thành phẩm được xuất xưởng ra thị trường. Vào những tháng cuối năm, mùa cưới, lễ hội, Tết cổ truyền thì mỗi ngày phải có 19-25 tấn miến Cự Đà được "ra lò."
Thời điểm ấy, cả làng Cự Đà như được nhuộm vàng óng bởi những phên, những dây phơi miến. Là một làng nghề có truyền thống lâu đời, dễ hiểu khi thị trường của sản phẩm miến rộng khắp trên toàn quốc, bên cạnh các chợ lớn chợ nhỏ của Hà Nội thì các tỉnh miền Trung, miền Nam người tiêu dùng cũng đều được biết tới. Không những vậy, miến Cự Đà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Lào, Campuchia, Đức, Nga...
Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng cao, để đảm bảo quyền và lợi ích của làng nghề, cũng như đem tới người tiêu dùng những sản phẩm uy tín nhất, miến Cự Đà đã được đăng ký bản quyền thương hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, đảm bảo mọi quy trình kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhiều năm qua, làng nghề liên tục nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền, của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong chương trình khảo sát và bình chọn sản phẩm tiêu biểu của Cục Sở hữu trí tuệ vừa triển khai, miến Cự Đà vinh dự nằm trong top 100 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng thôn cho biết: "Nghề làm miến và tương đã làm thay đổi đời sống của người dân nơi đây. Mặc dù số hộ sản xuất không còn nhiều như trước nhưng đây vẫn là nghề chính của làng. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu, đời sống người dân khá giả, tạo công ăn việc làm ổn định quanh năm cho người lao động địa phương".
Với những hướng đi đúng đắn, sự cố gắng thiết thực của chính quyền các cấp, cùng sự đồng thuận của người dân, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề ở Cự Đà là một điểm sáng của Hà Nội nói riêng, trên cả nước nói chung.