Huy động ít nhất 1 tỷ USD viện trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ rừng
Hoa Kỳ, Na Uy và Anh vừa hợp tác với các tập đoàn bao gồm Amazon và Nestle để cùng khởi động một dự án nhằm bảo vệ các khu rừng nhiệt đới trên toàn thế giới. Trong đó, dự kiến sẽ huy động ít nhất 1 tỷ USD viện trợ tài chính ban đầu cho các hoạt động bảo vệ rừng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo do Hoa Kỳ triệu tập bàn về vấn đề khí hậu, Dự án Giảm thiểu phát thải bằng cách tăng tốc viện trợ cho các cánh rừng (LEAF) đã được công bố với mục đích huy động ít nhất 1 tỷ USD viện trợ tài chính ban đầu cho các hoạt động bảo vệ rừng.
Theo đó, các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tham gia dự án sẽ trả tiền cho các quốc gia có rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới để giảm phát thải, từ đó góp phần chấm dứt nạn phá rừng.
Khi thế giới đang mong muốn nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế carbon thấp để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu, việc bảo vệ các khu rừng giúp loại bỏ carbon khỏi khí quyển một cách tự nhiên được coi là một bước quan trọng, nhưng cho đến nay phần lớn các kế hoạch đã thất bại.
Theo LEAF, tốc độ phá rừng thực sự gia tăng vào năm 2020, với dữ liệu từ Global Forest Watch cho thấy mức tăng 12% so với năm trước, tương đương với hơn 10 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh, gần bằng diện tích của Thụy Sĩ, đã bị tàn phá.
Liên minh LEAF cho biết các quốc gia muốn tham gia vào chương trình sẽ cần phải được một bên thứ ba độc lập chứng minh là đã giảm phát thải do giảm hoạt động chặt phá rừng theo một tiêu chuẩn mới và khắt khe hơn ở cấp quốc gia.
Với các đơn đăng ký đến tháng 7/2021 và ký kết gia nhập trước cuối năm nay, các khoản thanh toán sẽ được tính dựa trên việc giảm phát thải có liên quan đến việc giảm mức độ mất rừng hoặc suy thoái rừng hoặc bằng cách phục hồi rừng, trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2026.
Jeff Bezos - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Amazon cho biết, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh và liên minh LEAF mang đến cho họ cơ hội tập hợp các chính phủ và công ty để chống lại mối đe dọa này. Khi đoàn kết vì một mục tiêu chung, các quốc gia và công ty thuộc liên minh có cơ hội chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Hiện nay, các thành viên khác của Liên minh LEAF bao gồm các tập đoàn lớn như Airbnb, Boston Consulting Group, GlaxoSmithKline, McKinsey, Salesforce, Bayer và Unilever đang tham gia. Dự kiến, nhiều doanh nghiệp khác sẽ tham gia trong thời gian tới.