Huy động mọi nguồn lực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới
Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 cho thấy, tuy kết quả mới bước đầu đạt được, song Chương trình đã khẳng định được sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Những thay đổi tích cực
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 cho biết, tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.
Thống kê cũng cho thấy đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ngoài ra còn 08 huyện, thị xã đã có Tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.
Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày tại Hội nghị hôm 8/12 khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, thu hút người dân vào xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong 5 năm qua, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.
Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn 8,2%. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, nhìn tổng thể sau 05 năm triển khai, có thể khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai tích cực, đúng hướng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực.
Cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ Chính phủ, đến các Bộ, ngành, địa phương đều tích cực vào cuộc; có kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt, cụ thể có tới 22 nghìn mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tiên tiến, hiệu quả, đây là cơ sở để chúng ta nhân rộng, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những tồn tại cần khắc phục. Trong đó hạn chế lớn nhất là chưa đạt được mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí nông thông mới như Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra (hiện mới đạt 14,5%, theo dự báo đến hết năm nay sẽ là 16%). Các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng nông thông mới do cấp xã đảm nhận, nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình.
Bên cạnh đó, vẫn còn có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thông mới giữa các vùng, miền: Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn nông thông mới ở Đông Nam Bộ là 34%, Đồng bằng sông Hồng là 23,5%, thì miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%... Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cần phải tập trung khắc phục, trong đó có sự chênh lệnh tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỷ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền còn hạn chế…
Còn nhiều việc phải làm
Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Để cụ thể hóa được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; Cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn; Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu cần tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng nông mới, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bởi xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện, hiện đại hóa đất nước đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng nông thông mới. Tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trung ương sẽ cố gắng thu xếp, cân đối, bố trí nguồn lực cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng dựng nông thôn mới cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đồng thời các địa phương cũng phải tính toán cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác; vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ xã hội...
Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thực hiện một số tiêu chí thực hiện còn đạt ở mức thấp trong đó có tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về thúc đẩy sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn…
Sáng 8/12/2015, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung mổ xẻ, phân tích nguyên nhân cả chủ quan và khách quan của những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong đó nổi lên những nguyên nhân cơ bản như: Cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp; Chương trình triển khai vào thời kỳ suy thoái kinh tế nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế…