Huy động vàng trong dân: Vẫn là bài toán khó

Huy Hiếu

(Tài chính) Theo ước tính tại Việt Nam, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn với giá trị giao động từ 16-18 tỷ USD, tương đương 16% GDP. Việc huy động vàng trong dân để làm nguồn vốn đã được kiến nghị nhiều lần và dư luận quan tâm từ lâu. Tuy nhiên, xem ra câu chuyện huy động vàng trong dân bằng cách nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.

Chuyện huy động vàng trong dân vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Nguồn: internet
Chuyện huy động vàng trong dân vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Nguồn: internet

Yêu cầu cấp thiết

Ngày 2/1/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Trong Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có các biện pháp huy động vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, NHNN cần tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, có các biện pháp để huy động nguồn lực từ vàng. Tuy nhiên, huy động ở đây có thể hiểu là khác với nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường như với các nguồn vốn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Vấn đề là phải làm sao có các giải pháp kích thích nguồn vốn “chôn” ở vàng, chuyển đổi để đi vào sản xuất kinh doanh?!

Chứng chỉ vàng có phải là lối thoát?

Để có thể huy động nguồn vốn vàng đang “nằm im” trong dân cho các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia đã đề xuất đến việc phát hành chứng chỉ vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng...

Hơn nữa, đặc điểm nổi trội của phương thức huy động vàng thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD. Bên cạnh đó, việc phát hành chứng chỉ vàng tại Việt Nam cũng sẽ hạn chế mua bán vàng miếng. Đây cũng là một trong những giải pháp ổn định thị trường vàng.

Tuy nhiên, để triển khai chứng chỉ vàng cũng cần phải xây dựng hệ thống quy trình, thủ tục chặt chẽ, nhưng cũng phải đơn giản cho người dân cùng với các quy định kèm theo như cho vay, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp trên thị trường thứ cấp, thị trường mở.

Muốn vậy phải có thêm trái phiếu vàng và sàn giao dịch vàng đễ hỗ trợ. Bên cạnh đó,  nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát hành chứng chỉ vàng cũng sẽ nảy sinh vấn đề. Đó là chi phí bỏ ra là rất lớn, do phải trả cho phần lãi của giấy nợ. Bên cạnh đó, sau khi thu hút được vàng rồi thì nếu Nhà nước sử dụng nguồn vàng đó để gửi ra nước ngoài thì sinh lời rất thấp, chi phí lại cao, đặc biệt là chi phí chuyển đổi. Cuối cùng là khả năng chịu đựng rủi ro về giá thanh khoản của phí nhận vàng rất cao. Như vậy, NHNN làm đầu mối huy động cũng cần phải có sự hỗ trợ từ các chuyên gia để phân tích, dự báo diễn biến của giá vàng, các công cụ bảo hiểm rủi ro…

Đề án mua bán vàng

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN thì vì các cơ quan chức năng chưa giải quyết được những vấn đề về mặt luật pháp nên việc cấp chứng chỉ vàng không thực hiện được. Đề án gọi là mua bán vàng tự do cho dân theo đó được đề xuất. Người dân cần bán thì ngân hàng mua lại, cần mua thì ngân hàng lại bán ra theo một mức giá hợp lý, đảm bảo cho dân có lời, thuận lợi trong việc tích trữ vàng.

Hiện tại, NHNN đã tuyên bố, dùng chủ trương trên để huy động được nguồn vàng dự trữ trong dân. Theo đó, người dân khi cho vay bằng vàng và khi được trả lại cũng bằng vàng. Như vậy, họ sẽ không lo bị thiệt thòi khi giá vàng biến động lên xuống mà yên tâm hơn với việc cho Nhà nước vay để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi về việc Nhà nước có thể huy động được bao nhiêu phần trăm trong số 400 tấn vàng, Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, Vấn đề này còn phụ thuộc vào định giá và mức độ phục vụ dịch vụ thuận lợi hay không thuận lợi của hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh doanh buôn bán vàng. Nếu chủ trương đúng mà thủ tục còn rườm rà, không thuận lợi; giá đưa không sát thì người dân cũng không tích cực và số vàng cần, muốn huy động sẽ không được bao nhiêu. Nói chung, rất khó để nói chúng ta sẽ huy động được bao nhiêu vàng trong dân. Nó sẽ phụ thuộc vào những chính sách cụ thể.

Thêm vào đó, tâm lý giữ vàng của người Việt thì đời nào cũng vẫn tồn tại, dù ít dù nhiều. Khi tỷ giá không ổn định, thị trường bất động sản, chứng khoán không khởi sắc, vẫn trì trệ, người ta vẫn muốn giữ vàng thôi. Khi nào những vấn đề trên được giải quyết thì người dân mới "nhả" vàng ra dần dần. Ngược lại, kinh tế không chuyển biến, người dân vẫn thấy giữ vàng là nơi lưu trú an toàn, chắc chắn họ vẫn để nó nằm im trong nhà.

Nói về việc mua vàng từ trong dân, ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cũng khẳng định cách này cũng khó thực hiện được trong thời gian tới. Bởi lẽ, để thực hiện mua vàng từ trong dân đòi hỏi có nhiều giải pháp và có nhiều điều kiện nhất định như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp… Bên cạnh đó, một yếu tố được Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối coi là then chốt khiến việc NHNN mua vàng trong dân gặp trở ngại, là câu chuyện về giá. Hiện giờ với mức giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng thì khả năng NHNN mua vàng vào là rất khó khả thi.

“Việc này cũng là một nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho NHNN  trong năm 2014 sẽ chuẩn bị tất cả các điều kiện về kỹ thuật, pháp lý… để có thể  triển khai ngay khi đã chín muồi. Với chênh lệch giá hiện thời, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chiều bán ra qua kênh đấu thầu để bình ổn thị trường vàng.” - ông Nguyễn Quang Huy khẳng định.

Như vậy, với việc các giải pháp, đề án đưa ra đều có những khó khăn, rào cản nhất định thì câu chuyện huy động vàng trong dân xem ra vẫn còn là một dấu hỏi lớn.