Hủy giao vốn với các bộ, ngành, địa phương “không chịu” giải ngân


Ngày 19/8/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa có cuộc họp với một số bộ, ngành và lãnh đạo hai Thành phố: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án. Nguồn: Internet.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án. Nguồn: Internet.

Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài mới đạt 8,6%

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, qua 7 tháng đầu năm, cả nước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Đáng lưu ý, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài rất thấp, mới đạt 8,6% kế hoạch của năm.

Cụ thể, là địa phương có số vốn đầu tư công giao lớn, tuy nhiên tính từa đầu năm đến nay TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019. Vốn ODA giải ngân được khoảng 50% trong tổng số 800 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến lý giải nguyên nhân chậm giải ngân vốn của TP. Hồ Chí Minh là do chậm trễ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông Tuyến, trong tổng số hơn 4.200 tỷ đồng chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng thì tuyến Metro 2 chiếm hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng, tuyến này, Thành phố chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư theo phân cấp của Thủ tướng nên chưa thể chi vốn. 

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh mới hoàn thành việc sắp xếp các Ban quản lý dự án vào tháng 6/2019 để thực hiện giao vốn (trước đó giao vốn qua các sở, ngành) nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân…

Với Hà Nội, qua 7 tháng, Thành phố mới giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn giao. Nguyên nhân cũng được đại diện TP. Hà Nội báo cáo là do chậm chi trả giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật.

Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện vẫn còn hơn 35.000 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương gần 16.500 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 4.200 tỷ đồng và vốn nước ngoài hơn 14.300 tỷ đồng) chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn. Trong khi đó, đáng ra việc này phải hoàn thành trong tháng 5/2019.

Hủy giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này.

Đồng thời, trước ngày 30/9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng việc huỷ kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; Trước 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành địa phương.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính công khai tình hình giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án; Đồng thời, chủ động kiểm soát, thống kê số liệu giao vốn tại Kho bạc Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về đàm phán vốn vay nước ngoài và phối hợp giao vốn, điều chỉnh vốn vay của các bộ, ngành, địa phương...

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. 

Trước đó, nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện việc phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2019 đã được giao.

Trong đó, việc phân bổ vốn đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo thanh toán tối thiểu 50% tổng số nợ xây dựng cơ bản còn lại giai đoạn 2016-2020, thu hồi vốn ứng trước và bố trí kế hoạch vốn để thực hiện Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định.

Đối với phần kế hoạch vốn năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương, nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa phân bổ chi tiết hoặc chưa phân bổ hết cho các dự án, Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức kiểm tra để xác định nguyên nhân không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đã được giao cho các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi số vốn này về ngân sách trung ương…

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương và địa phương yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các các thủ tục về phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu đối với các dự án hoặc hạng mục mới.

Đối với các dự án phải điều chỉnh dự án đầu tư, đề nghị kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để sớm hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án; Đồng thời, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định khi có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước, không dồn vào cuối năm mới thanh toán.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý vốn đầu tư công.