Bảo đảm kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Theo daibieunhandan.com.vn

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 32% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, có đến 51 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 30%, thậm chí có đơn vị chưa giải ngân được đồng nào. Tốc độ giải ngân vốn nước ngoài cũng rất chậm, mới chỉ đạt 8,8% kế hoạch Quốc hội giao.

Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, đội vốn.
Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, đội vốn.

51 bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn dưới 30%

 Trong báo cáo gửi đến Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, nhiều địa phương không chấp hành nghiêm chế độ báo cáo. Tính đến gần hết tháng 6.2019, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo giải ngân của 8/54 bộ, ngành và 10/63 địa phương. Hầu hết các báo cáo này rất sơ sài, không bảo đảm nội dung theo yêu cầu, gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong công tác tổng hợp, đánh giá và báo cáo Thủ tướng nguyên nhân giải ngân chậm của các dự án.

Danh sách này cũng được gửi kèm theo báo cáo Thủ tướng, trong đó nêu cụ thể địa phương, bộ, ngành chưa gửi báo cáo cũng như chưa đánh giá cụ thể nguyên nhân giải ngân và đề xuất kiến nghị giải pháp thúc đẩy giải ngân.

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 119.019 tỷ đồng, đạt 28,56% so với kế hoạch Quốc hội giao và 32,41% so kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 32,53% kế hoạch Quốc hội giao và 33,85% kế hoạch Thủ tướng giao).

Trong đó, vốn trong nước ước thanh toán hơn 114.840 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 33,92% kế hoạch Thủ tướng giao (vốn trái phiếu Chính phủ hơn 6.206 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 3.835 tỷ đồng). Giải ngân vốn ngoài nước đến thời điểm này vẫn rất chậm, chỉ đạt 4.179 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch Quốc hội giao và 14,6% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính, có đến 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10% và một số đơn vị vẫn chưa giải ngân được một đồng vốn nào là Ngân hàng NN - PTNT Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Bên cạnh đó, có 6 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%. Các đơn vị có tiến độ giải ngân nhanh nhất là Hội Nhà văn hơn 83%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 79%; Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 74%. Khối các địa phương giải ngân cao nhất là Ninh Bình hơn 75%; Nghệ An hơn 71%; Phú Yên hơn 69%; Tuyên Quang hơn 62%...

Tại hội nghị trực tuyến nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công do Kho bạc Nhà nước tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, đại diện chủ đầu tư và ban quản lý dự án cho biết nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân chậm là nhiều dự án khó khăn trong bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, các chủ đầu tư cũng đang hoàn thành thủ tục để đấu thầu và chờ quyết toán tổng vốn.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; đồng thời, đôn đốc chỉ đạo chủ đầu tư có những dự án khởi công mới chưa đến mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh tiến độ đấu thầu và ký hợp đồng gửi Kho bạc Nhà nước để giải ngân vốn. Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm, gây áp lực cho kho bạc.

Đối với giải ngân vốn nước ngoài, tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân ODA và vay ưu đãi nước ngoài mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm tới công tác nhập dữ liệu vào hệ thống TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc). Theo quy định, việc nhập này thuộc trách nhiệm của các bộ, các địa phương. Nếu đã có phân bổ vốn nhưng không nhập kịp thời vào hệ thống TABMIS thì trên hệ thống cũng không thể hiện được dự toán và không đủ điều kiện giải ngân rút vốn, ông Hà lưu ý.

Tuyệt đối không để tồn đọng hồ sơ thanh toán

Là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.  

Cụ thể, Kho bạc Nhà nước tiếp tục cải cách quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi theo hướng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa quy trình, giảm bớt các bước trung gian, các đầu mối thực hiện, kết hợp đẩy mạnh điện tử hóa hồ sơ thủ tục của các đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến kho bạc. Hiện nay thời gian thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của Kho bạc Nhà nước được quy định là 3 ngày làm việc, kể từ khi kho bạc nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. “Chúng tôi cũng yêu cầu các cán bộ kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ; tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại kho bạc mà không rõ lý do”, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Việt Hồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước chỉ đạo kho bạc tỉnh, thành phố chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2019 của từng dự án;  phối hợp với chủ đầu tư tìm hiểu khó khăn, vướng mắc đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà thầu… để có biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định về công khai quy trình, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư khi đến giao dịch tại kho bạc.