ILO: Các nước cần tăng đầu tư để đảm bảo chính sách trợ giúp xã hội
ILO đã lưu ý về những lỗ hổng tài chính quan trọng trong chính sách bảo trợ xã hội và khuyến nghị cần đầu tư hơn 500 tỷ USD/năm để đảm bảo chính sách trợ giúp xã hội cơ bản trên toàn thế giới.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị cần đầu tư hơn 500 tỷ USD mỗi năm để đảm bảo chính sách trợ giúp xã hội cơ bản trên toàn thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong báo cáo được công bố ngày 25/11, ILO đã lưu ý về những lỗ hổng tài chính quan trọng trong chính sách bảo trợ xã hội; đồng thời cho rằng cần có chiến lược toàn cầu cho các nước đang phát triển, gia tăng chi tiêu đáng kể cho bảo hiểm xã hội để đạt được mức độ bao quát đối với các biện pháp bảo trợ xã hội cơ bản.
Điều này sẽ bao gồm: hỗ trợ cho trẻ em; đảm bảo lợi ích thai sản cho các bà mẹ mới sinh con; quyền lợi cho người khuyết tật và lương hưu cho người cao tuổi.
Kết quả dựa trên nghiên cứu được thực hiện ở 134 quốc gia cho thấy bảo trợ xã hội hiện mới chỉ bao phủ 8,5% trẻ em và 15,3% người cao tuổi ở các nước thu nhập thấp.
Trong khi ở các nước thu nhập trung bình cao tỷ lệ này là 35% ở trẻ em và 90% người cao tuổi được bảo hiểm.
Phó Giám đốc Chương trình Bảo trợ Xã hội của ILO Valérie Schmitt tin tưởng mục tiêu bảo trợ xã hội toàn cầu có thể đạt được thông qua các khoản đầu tư lớn, bao gồm viện trợ phát triển quốc tế cho các nước thu nhập thấp.
Bảo trợ xã hội đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đạt được các mục tiêu đặt ra trong Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030, như các mục tiêu về nghèo đói, bình đẳng giới, làm việc và tăng trưởng kinh tế tốt....
Báo cáo của ILO cũng nhận định các nước thu nhập thấp sẽ cần phải chi 5,6% (khoảng 27 tỷ USD mỗi năm) trong tổng GDP để thu hẹp khoảng cách tài chính.
Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp sẽ cần dành 1,9% GDP (136 tỷ USD mỗi năm), trong khi các nước thu nhập trung bình cao sẽ cần chi 1,4% GDP (365 tỷ USD mỗi năm).
ILO cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách để tạo nguồn tài chính cần thiết như tăng thu thuế, mở rộng bảo hiểm và đóng góp an sinh xã hội, tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA); trong đó ưu tiên cho các nước thu nhập thấp và loại bỏ các nguồn tài chính bất hợp pháp.