Kinh nghiệm quốc tế về phát triển, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết nguồn lực của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng yếu thế trong xã hội. Từ vai trò quan trọng này, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tín dụng chính sách xã hội sẽ góp phần đúc kết những bài học và định hướng rõ ràng hơn trong việc nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tín dụng chính sách của một số ngân hàng

Ngân hàng Grameen Bank ở Bangladesh

Ngân hàng Grameen Bank (GB) ở Bangladesh là một trong những tổ chức tín dụng điển hình về phát triển thành công mô hình quản lý tín dụng chính sách cho người nghèo. Ngân hàng GB hoạt động theo luật riêng không bị chi phối bởi luật chung đối với các tổ chức tín dụng khác của Bangladesh. Điểm đặc biệt của Ngân hàng này là 90% vốn là từ nguồn đóng góp của chính những người nghèo và chỉ có 10% là nguồn vốn do Chính phủ cấp. Ngân hàng GB cho vay không cần có tài sản đảm bảo, thủ tục vay vốn rất đơn giản và thuận lợi, tuy nhiên GB có cơ chế kiểm tra rất chặt chẽ, tạo cho người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

Thành công từ hoạt động Ngân hàng GB xuất phát từ việc kiên trì mục tiêu phục vụ và khai thác triệt để những đặc điểm của người nghèo, khơi dậy tính tích cực từ bản năng vượt nghèo của họ, khẳng định mục tiêu chiến lược của tín dụng là giúp người nghèo thoát cảnh cùng cực, đối tượng phục vụ trước hết là phụ nữ, vì người nghèo khổ nhất ở nông thôn Bangladesh là phụ nữ. Bên cạnh đó, việc cho vay của Ngân hàng GB còn được thực hiện thông qua tổ nhóm vay vốn, nhằm quản lý giám sát lẫn nhau, hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Hình thức vay vốn này vừa huy động được nguồn vốn, vừa tạo cho người vay có nguồn trả nợ khi gặp khó khăn và nhất là tạo thói quen tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo.

Ngân hàng GB cho vay hộ nghèo theo lãi suất thị trường. Tỷ lệ nợ quá hạn của GB vào hàng thấp nhất ở Bangladesh. Điều đó chứng tỏ, việc cho vay người nghèo theo lãi suất thị trường có tác dụng thúc đẩy người nghèo hòa vào cơ chế kinh tế thị trường, chủ động cân đối chi phí sản xuất và giá thành để có lãi, có khả năng trả nợ gốc và lãi tốt.

Điểm nhấn sáng tạo của Ngân hàng GB là mô hình “nhóm tự quản” kết nối những người vay sống trong cùng một khu vực dân có hoàn cảnh tương tự để họ cùng chia sẻ trách nhiệm, sàng lọc, giám sát và quản lý lẫn nhau, qua đó giảm được sự bất cân xứng thông tin trong hoạt động tín dụng.

Điểm nhấn sáng tạo của Ngân hàng GB là mô hình “nhóm tự quản” kết nối những người vay sống trong cùng một khu vực dân có hoàn cảnh tương tự để họ cùng chia sẻ trách nhiệm, sàng lọc, giám sát và quản lý lẫn nhau, qua đó giảm được sự bất cân xứng thông tin trong hoạt động tín dụng. Nếu một thành viên trong nhóm gặp khó khăn, các thành viên khác phải có trách nhiệm giúp đỡ, một thành viên không hoàn trả nợ đúng hạn hay không trả được nợ sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả những thành viên còn lại. Khi một thành viên trong nhóm không có khả năng trả nợ thì Ngân hàng GB sẽ từ chối tất cả các khoản vay của các thành viên còn lại trong nhóm.

Ngân hàng Bank Rakyat Indonesia (Indonesia)

Ngân hàng Bank Rakyat Indonesia (BRI) của Indonesia là ngân hàng do Nhà nước sở hữu. Ngoài nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các vùng nông thôn ở Indonesia, Ngân hàng BRI còn cung cấp các dịch vụ ngân hàng tại các khu vực công nghiệp và các tổ hợp quốc tế. Thời gian đầu, Ngân hàng BRI chủ yếu cấp tín dụng bao cấp của Nhà nước cho các đối tượng chính sách, tuy nhiên, do hệ quả của việc bao cấp và Ngân hàng BRI bị rơi vào tình trạng khó khăn, hoạt động hiệu quả và có nguy cơ phá sản.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng BRI đã chuyển hướng tách bạch các hoạt động thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội ra khỏi hoạt động chung của Ngân hàng, các bộ phận được tổ chức và hạch toán độc lập. Ngân hàng BRI áp dụng các mức lãi suất khác nhau với từng đối tượng trên nguyên tắc không có sự bao cấp của Nhà nước. Ngân hàng BRI đặc biệt tập trung vào việc huy động các nguồn tiết kiệm của dân cư, nhất là những vùng nông thôn và khách hàng nghèo. Với mạng lưới rộng khắp cùng cơ chế huy động hấp dẫn nên Ngân hàng BRI đã thu hút được một nguồn lực rất lớn từ người nghèo để phục vụ cho nhu cầu tín dụng chính sách của chính họ. Hoạt động huy động từ tiền gửi tiết kiệm nêu trên chính là chìa khóa thành công của Ngân hàng BRI.

Ngân hàng BRI cũng tổ chức giám sát chất lượng tín dụng và xử lý nợ quá hạn chặt chẽ, kịp thời do có quỹ bù đắp rủi ro được tạo lập thông qua hoạt động kinh doanh. Trường hợp rủi ro bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng) thiệt hại từ 85% trở lên được Nhà nước cấp bù toàn bộ số vốn bị thiệt hại. Với chính sách này, các tổ chức tín dụng yên tâm huy động vốn để đầu tư và tình hình tài chính của ngân hàng luôn luôn được xử lý khá trong sạch, bảo đảm khả năng thanh toán và phát triển bền vững. Chính phủ Indonesia cũng quy định các ngân hàng thương mại phải dành 20% vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ, nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước về tài chính theo xu hướng giảm dần. Việc cấp vốn chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, theo vùng; có chính sách hợp pháp việc sử dụng đất đai trong nông nghiệp, tạo những điều kiện thuận lợi để nông dân sử dụng vốn có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh.

Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC)

Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lan (BAAC) là ngân hàng thương mại của Chính phủ Thái Lan do Bộ Tài chính quản lý, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, Ngân hàng BAAC được Nhà nước cấp vốn để cho vay tín dụng chính sách, đồng thời, Chính phủ cũng quy định các ngân hàng thương mại phải dành 20% số vốn huy động được để cùng tham gia cho vay lĩnh vực nông thôn. Số vốn này có thể cho vay trực tiếp hoặc ủy thác qua BAAC cho vay hộ nhưng thông thường là các ngân hàng thương mại sẽ ủy thác qua Ngân hàng BAAC.

Ngân hàng BAAC cung cấp rất nhiều sản phẩm dịch vụ để khách hàng có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất. Ngoài ra, việc tiếp cận khách hàng của Ngân hàng BAAC được thực hiện thông qua các tổ, nhóm với quy định chặt chẽ dành chung cho cả tổ, nhóm (tương tự như: Ngân hàng BRI của Indonesia), theo đó, trách nhiệm cá nhân được gắn với trách nhiệm tập thể và góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng ưu đãi. Ngân hàng BAAC cho vay với lãi suất thị trường, tuy nhiên kết hợp với chất lượng phục vụ chu đáo, tận tình nên luôn đảm bảo được tính bền vững và giảm sự bao cấp của Nhà nước.

Bên cạnh đó, một điểm thành công của Ngân hàng BAAC là việc ngân hàng đã gắn kết việc cho vay với các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người vay, qua đó giúp việc sản xuất kinh doanh của người vay hiệu quả hơn, đảm bảo chính sách hiệu quả và bền vững hơn. 

Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Qua nghiên cứu các cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tín dụng chính sách nêu trên có thể rút ra 4 bài học trong việc để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách tại Việt Nam, cụ thể:

Một là, về nguồn lực tài chính: Cần đa dạng hóa các nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Hầu hết các quốc gia đều thực hiện nguyên tắc huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh nhu cầu vốn tín dụng chính sách ngày càng lớn và ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn thì việc chung tay của toàn xã hội để thực hiện giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị là điều cần thiết. Đặc biệt, cần chú trọng đến công tác huy động tiết kiệm từ chính những người nghèo, những người vay vốn để vừa tạo thói quen tiết kiệm, nâng cao hiểu biết về quản lý tài chính cho người dân và giúp họ tích lũy, để giảm bớt áp lực trả nợ vào cuối kỳ.

Hai là, về việc phối hợp triển khai thực hiện chương trình: Bên cạnh việc ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội nhằm từng bước xã hội hóa, thúc đẩy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo chung của Nhà nước, thì việc nâng cao trách nhiệm của các cá nhân vay vốn thông qua các tổ, nhóm cần phải phát huy hơn nữa. Điều này đã được minh chứng bằng những thành công rõ nét của các ngân hàng tại Bangladesh, Indonesia và Thái Lan. Kinh nghiệm của các ngân hàng này cho thấy, việc cho vay theo tổ, nhóm đòi hỏi tất cả các thành viên đều phải có trách nhiệm nhắc nhở các thành viên trả nợ, có như vậy thì những người còn lại trong nhóm mới được tiếp tục vay vốn. Thêm vào đó, chính sách không cấp tín dụng mới khi khoản tín dụng cũ chưa được trả đủ cũng là một cách để ngăn nợ xấu phát sinh. Sự gắn bó, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong nhóm sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận thị trường và làm ăn theo nhóm cũng giúp việc phát triển năng lực lãnh đạo và các kỹ năng quản lý.

Ba là, nguyên tắc hướng tới sự phát triển bền vững của ngân hàng thực hiện tín dụng chính sách. Mặc dù mục tiêu của ngân hàng là giúp cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác trong xã hội vượt qua khó khăn, hoạt động của ngân hàng không vì mục tiêu lợi nhuận, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này trong dài hạn cần bảo đảm được tính bền vững của ngân hàng. Để thực hiện điều này, ngân hàng cần phải hướng tới giảm dần các ưu đãi về lãi suất và chuyển sang các ưu đãi về quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay hoặc chỉ áp dụng các ưu đãi về lãi suất đối với một số đối tượng khách hàng có năng lực tài chính, sử dụng vốn vay thấp nhất.

Bốn là, hướng dòng vốn tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên ở nông thôn. Hầu hết các đối tượng chính sách ở các quốc gia đều tập trung ở khu vực nông thôn sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bởi những lĩnh vực này không đòi hỏi lao động có trình độ, tay nghề cao và được đào tạo bài bản. Do vậy, việc hướng dòng tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển cả về mặt kinh tế và xã hội của các đối tượng chính sách.

Tại nhiều nước, tình trạng nông dân phải tìm đến các nguồn tín dụng phi chính thức rất phổ biến, bởi các ngân hàng thương mại ngại rủi ro và chi phí giao dịch cao nên hạn chế cho vay ở nông thôn. Ngoài ra, những quy định chặt chẽ của Chính phủ về tài sản đảm bảo, lãi suất trong hoạt động tín dụng thì hiện tượng thông tin bất đối xứng cũng là cản trở trong việc cấp tín dụng nông thôn. Do vậy, để dòng vốn tín dụng chuyển dịch đến các lĩnh vực ưu tiên, trước tiên cần sự định hướng của Chính phủ, sự chỉ đạo của ngân hàng trung ương và sự hưởng ứng của các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính.

Việc điều chỉnh chính sách tín dụng là cần thiết bởi đối tượng chính sách xã hội có những đặc điểm riêng biệt, không thể đáp ứng yêu cầu cấp tín dụng chung (ví dụ chính sách về tài sản đảm bảo, lãi suất, thời hạn trả nợ, giá trị khoản vay…). Chính phủ cũng cần hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, vật nuôi nhằm tránh hiện tượng cung vượt quá cầu, ảnh hưởng đến giá cả nông sản; từ đó, tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của người vay. Bên cạnh đó, việc cải tạo và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc) không chỉ nhằm khắc phục hiện tượng thông tin bất đối xứng mà còn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp thông thương hàng hóa, tăng thu nhập của người vay.

Với những bài học rút ra nêu trên, Việt Nam có thể xây dựng được một định hướng rõ ràng trong việc phát triển tín dụng chính sách để đạt được tối đa hiệu quả tín dụng, nhằm mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội của đất nước.