Indonesia lo bị ông Trump “để ý” về thương mại
Indonesia đang lo trở thành đối tượng của chính sách bảo hộ thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Thặng dư thương mại lớn của Indonesia với Mỹ có thể sẽ bị chính quyền ông Trump "để ý", cho dù nước này được cho là có thể hưởng lợi từ xung đột Mỹ-Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia, ông Bambang Brodjonegoro, nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg.
Ngoài ra, ông Brodjonegoro cũng lo ngại rằng chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây sức ép lên cán cân tài khoản vãng lai, dòng vốn nước ngoài và tỷ giá đồng nội tệ của Indonesia.
Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trong những phiên gần đây khi Mỹ và Trung Quốc lại áp thuế quan lên hàng hóa của nhau. Nỗi lo của Indonesia vì thế cũng tăng lên.
Năm ngoái, Indonesia có thặng dư thương mại 10,7 tỷ USD với Mỹ. Nước này đã từng có tên trong danh sách các quốc gia mà ông Trump yêu cầu cơ quan chức năng điều tra vì nghi vấn lợi dụng quan hệ thương mại với Mỹ. Ngoài ra, vị trí của Indonesia trong chương trình ưu đãi thương mại của Mỹ cũng đang bị rà soát.
"Indonesia và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác nhau về quy mô. Cả hai nước đều gây thâm hụt thương mại cho phía Mỹ", ông Brodjonegoro nói. "Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào Indonesia không trở thành một phần trong ý tưởng bảo hộ thương mại của Mỹ và làm thế nào chúng tôi có thể tranh thủ được khả năng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ suy giảm".
Theo vị Bộ trưởng, các quan chức Indonesia đang tích cực vận động chính quyền ông Trump để nước này tiếp tục được là một phần trong Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ. Đây là chương trình nhằm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách miễn thuế quan cho hàng nghìn sản phẩm đến từ các quốc gia hưởng lợi. Đầu năm nay, Mỹ phát tín hiệu sẽ loại Ấn Độ khỏi GSP.
"Chúng tôi vẫn đang thảo luận, vận động, để đảm bảo rằng chúng tôi an toàn", ông Brodjonegoro phát biểu. "Tôi không thể nói mọi chuyện đều tốt đẹp, nhưng chúng tôi cũng chưa nghe thấy điều gì bất lợi cả. Tuy nhiên, không bao giờ biết trước được".
Bấp bên trong quan hệ thương mại giữa Indonesia với Mỹ xuất hiện giữa lúc nước này cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu để giảm bớt thâm hụt cán cân vãng lai - vấn đề vốn được xem là điểm yếu lớn nhất của nền kinh tế Indonesia. Thâm hụt cán cân vãng lai của Indones tương đương 2,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý 1 năm nay, cao hơn mức dự báo 2,5% cho cả năm mà Ngân hàng Trung ương Indonesia đưa ra.
"Chúng tôi biết là chiến tranh thương mại leo thang sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Bởi vậy sẽ có sức ép lên cán cân tài khoản vãng lai, dòng vốn đầu tư danh mục, và cuối cùng lại tác động lên tỷ giá", ông Brodjonegoro nói.
Dữ liệu cán cân vãng lai gần đây và mối lo chiến tranh thương mại đã đẩy tỷ giá đồng Rupiah xuống mức thấp nhất 4 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Trước đó, đồng tiền này đã phục hồi mấy tháng gần đây sau đợt giảm chóng mặt trong đợt biến động thị trường mới nổi năm ngoái.
Những diễn biến mới có thể khiến Ngân hàng Trung ương Indonesia trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, theo ông Brodjonegoro. Đa phần chuyên gia dự báo Ngân hàng Trung ương Indonesia giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6% trong cuộc họp vào ngày thứ Năm tuần này.
"Chúng tôi có thể phải đợi một thời gian trước khi có bất kỳ động thái nới lỏng nào", ông Brodjonegoro phát biểu. "Ngân hàng Trung ương và Chính phủ sẽ phải theo dõi biến động trên thị trường toàn cầu. Tôi không cho là giảm lãi suất sẽ mang lại tác dụng tốt, xét tới những biến động hiện nay".
Theo dự kiến, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia sẽ được xác nhận là người thắng trong cuộc bầu cử ngày 17/4 khi kết quả chính thức được công bố vào tuần tới.
Chuẩn bị cho nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai, ông Widodo đã giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế về 5,6% trong năm 2020. Đây sẽ là mức tăng nhanh nhất của kinh tế Indonesia kể từ năm 2013, nhưng thấp hơn nhiều mục tiêu 7% mà ông Widodo đề ra trước khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên cách đây 5 năm.