Indonesia sẽ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP trong năm nay
Indonesia sẽ nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP trong năm nay nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nhanh hơn so với các thỏa thuận song phương.
Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai Châu Á ở Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 24/5/2024, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, nhằm tìm kiếm sự thúc đẩy xuất khẩu nhanh hơn so với các thỏa thuận song phương Indonesia sẽ nộp đơn xin tham gia Hiệp định thương mại Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong năm nay. Hiện nước này đã hoàn tất quy trình nội bộ để nộp đơn đăng ký.
Trao đổi thêm với Nikkei Asia bên lề Diễn đàn Tương lai Châu Á, ông Hartarto cho biết, đối với Indonesia, quốc gia có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội, cạnh tranh kinh tế với các thành viên Hiệp định CPTPP khác với Trung Quốc.
“Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia nhưng các nước trong Hiệp định CPTPP khác nhau về sản phẩm cũng như khoảng cách”, ông Hartarto nhận định.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia cho rằng việc tham gia Hiệp định CPTPP là một “trái ngọt dễ dàng” đối với Indonesia về thương mại. Theo ông Hartarto, Indonesia muốn có các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia nhưng các cuộc đàm phán song phương cần có thời gian, đồng thời chia sẻ về quá trình 7 năm để đạt được FTA với Liên minh châu Âu. Những cuộc đàm phán này vẫn đang tiếp diễn.
Ông Hartarto cũng lưu ý tiềm năng của Hiệp định CPTPP trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho Indonesia, quốc gia đang cố gắng chuyển dịch từ nguyên liệu thô sang hàng sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. “Nó sẽ mở cửa thị trường Anh cũng như một số quốc gia ở Nam Mỹ, bao gồm cả Mexico, một điểm đến xuất khẩu ô tô” và cho biết thêm, mối quan tâm chính của Indonesia khi gia nhập Hiệp định CPTPP sẽ là khả năng giá năng lượng tăng cao.
Hiệp định CPTPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Vương quốc Anh đã được chấp thuận tham gia.
Về phần mình, Indonesia đang tiến tới một quá trình chuyển giao lãnh đạo sau cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, với việc ông Prabowo Subianto sẽ kế nhiệm Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết: Chìa khóa của sự tăng trưởng kinh tế ổn định ở Indonesia là sự ổn định chính trị và xã hội. Các ưu tiên chuyển đổi kinh tế của đất nước bao gồm khoa học và công nghệ, kinh tế xanh và số hóa. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách cơ cấu để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ở Indonesia. Đồng thời tiếp tục kết hợp các động lực tăng trưởng thông thường như phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh lương thực và hợp tác quốc tế với các động lực mới.