Giải mã 6 yếu tố hỗ trợ giá dầu mỏ

Theo vietnamplus.vn

Báo chí Pháp thời gian gần đây đã phân tích, mổ xẻ những yếu tố hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh giá dầu đã tăng gần 30% trong hai tuần qua (từ mức 37,75 USD/thùng lên xấp xỉ 45 USD/thùng). Theo các chuyên gia phân tích, có 6 yếu tố hỗ trợ giá dầu trong hiện tại và trong thời gian ngắn sắp tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

OPEC dường như đã sẵn sàng hợp tác?

Việc các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có những động thái hợp tác điều tiết giá dầu là chất xúc tác lớn nhất đối với sự phục hồi gần đây của giá dầu. Hiện OPEC có vẻ để ngỏ cho các cuộc thảo luận về việc thiết lập một mức giá thích hợp và cân bằng đối với thị trường dầu khí. Trong bản tin mới nhất, các thành viên OPEC đã chỉ ra rằng giá dầu thô vẫn tiếp tục chịu sức ép do sản lượng khai thác cao và sự đầu cơ của thị trường. Báo cáo của OPEC cũng nhấn mạnh rằng tổ chức này sẽ tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho thị trường dầu mỏ với giá cân bằng và hợp lý.

Cho dù chưa đạt được thỏa thuận trong khối mà mới chỉ là những cam kết không ràng buộc giữa một số nước thành viên OPEC, thì đây vẫn là một tin tốt với các nước xuất khẩu dầu, bởi nhiều nước chủ chốt trong OPEC (như Saudi Arabia) vẫn tuyên bố duy trì lượng sản xuất dầu thô bất chấp thị trường đã dư cung và giá sụt giảm mạnh.

Mỹ thực hiện cơ cấu kho dự trữ dầu khí

Một yếu tố quan trọng trong sự phục hồi của giá dầu liên quan tới việc Mỹ tái cơ cấu các kho dự trữ dầu của mình. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết nước này đã sản xuất từ 40.000-130.000 thùng/ngày trong thời gian 5 tháng đầu năm 2015, nhưng con số này đã giảm xuống dưới 100.000 thùng/ngày trong tháng 6/2015. Như vậy, sản lượng đạt đỉnh vào tháng 4/2015 và giảm xuống trong suốt mùa hè.

Các công ty dầu mỏ có thể gặp trục trặc ở Bắc Mỹ

Cơn bão nhiệt đới Erika đã gây nhiều thiệt hại cho bang Florida và các tiểu bang lân cận ở Mỹ, nó cũng khiến thị trường quan ngại và dự đoán về những rủi ro tiềm tàng trong hoạt động sản xuất/khai thác dầu ở Vịnh Mexico và ở New Jersey - những cơ sở sản xuất dầu mỏ chính ở miền Bắc của Mỹ.

Ngoài ra, hai nhà sản xuất dầu lớn của Canada đã ngừng hoạt động tạm thời do hỏa hoạn. Các nhà phân tích dự đoán rằng điều này có thể hạn chế đáng kể việc cung cấp dầu và giúp dầu vững giá.

Những thay đổi trong chiến lược năng lượng của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đàm phán với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro về một kế hoạch song phương nhằm bình ổn giá dầu theo hướng có lợi cho các nước xuất khẩu dầu mỏ. Theo Tổng thống Maduro, hai bên đã đồng ý về một số sáng kiến và sẽ công bố khi có thể thực hiện.

Nền kinh tế Venezuela đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ giá dầu sụt giảm, thậm chí nước này đã kêu gọi OPEC họp khẩn để có giải pháp đối phó. Nga cũng cùng chung thảm cảnh khi chịu khủng hoảng kinh tế nặng nề từ sự sụt giảm giá dầu, trong bối cảnh thế giới dư thừa nguồn cung. Cho đến nay, chưa một kế hoạch cụ thể nào được công bố nhưng dường như Nga đã bắt đầu có những động thái tự cứu lấy mình trong đó có một thỏa thuận mới được ký với Trung Quốc, nhưng chi tiết của thỏa thuận này không được công bố.

Đầu tư khai thác dầu tại Biển Bắc giảm mạnh

Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội dầu khí Anh (Oil & Gas UK), nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp khai thác dầu tại Biển Bắc có thể sụt giảm tới 80% trong thời gian từ nay đến năm 2017, từ mức tương đương 22,6 tỷ USD năm 2014 xuống còn khoảng từ 3-6 tỷ USD trong năm 2017. Việc thăm dò, tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu mới tại Biển Bắc cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1970.

Sự sụt giảm đầu tư cũng như tìm kiếm, khai thác dầu tại Biển Bắc sẽ kéo theo nhiều hậu quả về việc làm, trong khi ngành công nghiệp dầu khí tại Anh đang sở hữu 375.000 việc làm. Các công ty dầu khí cũng đang tìm cách hạ giá thành khai thác tại đây, từ mức 27,3 USD/thùng năm 2014 xuống còn 26,1 USD/thùng năm 2015 và xuống chỉ còn 23 USD/thùng trong năm 2016.

Sự sụt giảm đầu tư và khai thác tại Biển Bắc cũng làm giảm lượng cung dầu trên thị trường, từ đó góp phần giữ giá dầu không bị xuống thêm.

Khả năng ECB tăng gói kích thích?

Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bỏ ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ để kích thích lạm phát. Điều này có nghĩa là ECB sẽ sẵn sàng mở rộng gói nới lỏng định lượng (QE) đang áp dụng nếu giá hàng hóa tiếp tục giảm.

Triển vọng tăng cường nới lỏng định lượng của ECB có thể gây ra sự mất giá của đồng euro. Chi phí nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn đẫn đến sự gia tăng về giá hàng hóa trong khu vực eurozone. Ngoài gia, gói nới lỏng tiền tệ của ECB (nếu có) cũng làm tăng tính thanh khoản trên thị trường, có thể dẫn đến tăng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư, từ đó làm tăng tổng cầu. Điều này cuối cùng có thể gây áp lực tăng giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, trong đó có dầu thô.