Mục tiêu chính trị trong cải cách kinh tế
Tình hình kinh tế Trung Quốc phát đi những tín hiệu xấu buộc Chính phủ nướác này đưa ra các biện pháp mạnh. Cùng với các chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, một trong các bước đi cần thiết lúc này là thúc đẩy tái cơ cấu các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Nếu thành công, đây cũng đồng thời là một quân bài giúp củng cố vị thế của nhà lãnh đạo này.
Bước đi quyết liệt
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, DNNN của Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo trong khu vực phi nông nghiệp. Tuy vậy, tăng trưởng của khu vực này lại tương đối chậm trong bối cảnh cải cách kinh tế. Trong khi tỷ lệ đóng góp của khu vực DNNN vào GDP giảm đi đáng kể thì tỷ trọng đầu tư của khu vực này luôn ở mức cao.
Các khoản vay của ngân hàng vẫn chủ yếu được dành cho các DNNN. Lúc đó, gần 80% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn là các khoản vay của DNNN, trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ bằng 25% tỷ lệ này. Các khoản vay không sinh lời của các ngân hàng quốc doanh phần lớn là cho DNNN vay đã tồn đọng với số lượng lớn buộc Chính phủ phải xóa phần lớn những khoản vay này, dẫn đến đóng góp của DNNN ngày càng hạn chế và khả năng cạnh tranh ngày càng kém.
Điều đó buộc Chính phủ Trung Quốc phải tiến hành cuộc cải cách mạnh mẽ các DNNN. Kết quả là hơn 60.000 doanh nghiệp bị đóng cửa, 30 triệu người mất việc làm.
Đó là câu chuyện của nhiều thập niên về trước. Trong điều kiện kinh tế mới, DNNN tại Trung Quốc hiện mở rộng sang nhiều lĩnh vực, được nhận nhiều khoản đầu tư lớn của chính phủ nhưng hiệu quả mang lại còn khiêm tốn. Hiện trong chính giới Trung Quốc xuất hiện nhiều thông tin không chính thức rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị một kế hoạch trình tư nhân hóa rất lớn, liên quan đến khoảng 200.000 doanh nghiệp. Nếu được triển khai, đây sẽ là “vụ nổ Big Bang lớn nhất” của khu vực kinh tế công của nước này kể từ cuộc cải cách trước đó.
Báo chí quốc tế như tờ Les Echos hay Wall Street Journal nói đến kế hoạch với độ dài khoảng 20 trang, có tên gọi “Các hướng dẫn cho việc đẩy mạnh cải cách các DNNN”. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được chia thành hai nhóm, một bên là các doanh nghiệp làm ăn có lãi, còn bên kia là các doanh nghiệp còn lại.
Các lĩnh vực chủ yếu được dự đoán sẽ bị “sờ gáy” là: năng lượng, giao thông hay viễn thông. Kế hoạch cải cách nói trên là chỉ báo cho thấy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc, muốn hiện đại hóa khu vực trụ cột của nền kinh tế, để cho thị trường có vai trò quyết định lớn hơn.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết năm 2015 đặt trọng tâm chống tham nhũng vào các DNNN, vì những tồn tại trong khu vực thành phần kinh tế này cho tới nay vẫn nghiêm trọng.Bản sơ kết kiểm tra của Ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương cho biết, qua kiểm tra 26 DNNN nửa đầu năm 2015, đã phát hiện những vấn đề lớn.
Một là, công tác gọi đấu thầu các công ty nước ngoài không đúng quy định. Công tác quản lý tiền vốn, tài sản ở nước ngoài có nhiều lỗ hổng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt đưa người thân của mình vào các công ty để trục lợi. Chức năng của các tổ chức đảng trong DNNN hầu như tê liệt, lách luật và lợi dụng sơ hở của chính sách để kiếm lời.
Hai là, nhiều doanh nghiệp quốc doanh bề ngoài mang danh hiệu “quốc doanh” nhưng thực chất thuộc quyền sở hữu của Nhóm người. Nhiều DNNN hiện đã bị “Gia tộc hóa”, “Nhóm lợi ích hóa”, “Tập đoàn hóa” từ đó chúng đua nhau moi tiền của nhà nước để tư túi, hơn nữa còn liên minh với nhau để chống lại cải cách.
Ba là, nếu không tiến hành chống tham nhũng quyết liệt và nhanh chóng tiến hành đi sâu cải cách thì nhiều doanh nghiệp quốc doanh sẽ bị sụp đổ.
Báo cáo của Ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương cho biết từ năm 2014 tới nay, có tới 3.670 quan chức các DNNN bị kỷ luật, trong đó 154 người đưa sang cơ quan tư pháp tiến hành truy tố xét xử. Trong số này, có 74 quan chức lãnh đạo cấp cao các DNNN bị bắt, bị truy tố về tội tham nhũng. Chỉ riêng đợt kiểm tra đầu năm 2015 đối với 26 doanh nghiệp quốc doanh đã có tới trên 10 quan chức cấp cao của các doanh nghiệp quốc doanh sa lưới.
Sinh mệnh chính trị
Nếu được triển khai triệt để, đây sẽ là bước đi quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cải cách kinh tế nói chung và các DNNN nói riêng. Trong khi công cuộc “đả hổ, diệt ruồi” vẫn đang diễn ra, lãnh đạo thế hệ thứ năm ở Trung Quốc lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trên mặt trận kinh tế. Nếu không xử lý thỏa đáng, ông Tập Cận Bình có thể “mất điểm” ngay trên sân nhà.
Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc dự báo, cuộc chiến chống tham nhũng và cuộc cải cách DNNN này là khó lường, trong trường hợp một kế hoạch to lớn như vậy không mang lại kết quả đáng kể gì, thì chắc chắn sẽ có những phản ứng đáng ngại. Điều đó cũng có nghĩa là ban lãnh đạo hiện nay sẽ bị “các lực lượng chống thay đổi tấn công”.
Thảm họa chứng khoán xảy ra, theo Giáo sư Hary Harding đến từ Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, có thể gây ra ba hệ lụy tiêu cực. Trước tiên là việc các nhà đầu tư tư nhân chịu tổn thất. Kế đó là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Cuối cùng là hình thành phản ứng đối với êkíp lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Xem xét sóng gió trên thị trường chứng khoán và thực tế nền kinh tế hiện nay, có thể thấy vấn đề nghiêm trọng nhất mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt là trên lĩnh vực kinh tế, có thể gây tổn hại tới sinh mạng chính trị của nhà lãnh đạo này. Kinh tế tốt, ông Tập Cận Bình có thể duy trì, thậm chí có thể củng cố quyền uy. Nhưng nếu kinh tế mất kiểm soát như trên thị trường chứng khoán hiện nay, ông Tập Cận Bình sẽ rơi vào thế khó.